Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA PHỐI HỢP VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA TỔ CHỨC PHIÊN TÒA RÚT KINH NGHIỆM VỤ ÁN HÌNH SỰ PHÚC THẨM

Trong hai ngày 06 và 07/3/2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo trình tự phúc thẩm hình sự vụ án Nguyễn Thị Mỹ Anh và đồng bọn phạm tội “Cướp tài sản” quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự 1999. 

Tóm tắt nội dung vụ án như sau:

Bà Nguyễn Thị Lệ có quan hệ làm ăn và nợ Nguyễn Thị Mỹ Anh 16.000.000 đồng. Do nhiều lần Mỹ Anh vào Đồng Nai gặp bà Lệ ông Hội đòi nợ nhưng không được. Khoảng 10h ngày 25/6/2017, Nguyễn Thị Mỹ Anh thấy ông Đào Đức Hội đang ngồi trước nhà ông Nguyễn Văn Lâm (tại tổ dân phố Dinh Thành 1, thị trấn Diên Khánh), đã gọi điện thoại cho Nguyễn Quốc Tiên với mục đích nhờ Tiên gây áp lực, hù dọa ông Đào Đức Hội, giúp Nguyễn Thị Mỹ Anh đòi nợ. Nguyễn Quốc Tiên đồng ý và rủ thêm Nguyễn Hoàng Phúc và Nguyễn Trọng Phú cùng đi. Phúc, Phú đều đồng ý. Phúc thuê xe ô tô 79A-072.69 của Trần Thiên Vương với giá 500.000 đồng chở Tiên, Phúc, Phú ra thị trấn Diên Khánh. Khi đi Tiên cầm theo 01 roi điện, đến thị trấn Cam Đức thì Phú vào nhà Nguyễn Ngọc Trí lấy hung khí gồm 01 con dao, 01 mã tấu được mang theo.

 Khi đến Diên Khánh, Tiên, Phúc, Phú gặp Mỹ Anh tại một quán nước bên đường; Mỹ Anh nói “có người nợ chị 16.000.000 đồng nhưng không trả, bây giờ chị ra đòi tiền, nếu có xô xát thì mấy em can thiệp và hù dọa để họ sợ trả tiền giúp chị”. Cả ba đồng ý. Mỹ Anh dẫn cả nhóm đến nhà ông Lâm để gặp ông Hội. Khi đến nơi, Mỹ Anh vào đòi tiền ông Hội, hai bên cải vã bị ông Lâm đuổi ra ngoài. Thấy vậy, Tiên, Phúc và Phú xuống xe, anh Vương vẫn ngồi trong xe. Mỹ Anh nói với Tiên “Đưa ông này ra ngoài nói chuyện”. Tiên hiểu ý Mỹ Anh nên nói Phúc, Phú bắt ông Hội ra ngoài. Tiên kẹp tay ông Hội kéo đi, ông Hội không chịu đi nên Tiên dùng roi điện chích vào hông trái của ông Hội, lôi ra đẩy lê xe, Phúc cầm mã tấu mở cửa xe, Phú cầm dao ở bên cạnh để hỗ trợ. Sau khi bắt ông Hội lên xe, Tiên yêu cầu ông Vương lái xe vào Cam Lâm, trên đường đi Tiên vừa bấm roi điện vừa đe dọa buộc ông Hội phải trả 16.000.000 đồng cho Mỹ Anh, Tiên nói lấy thêm 6.000.000 đồng tiền xe và tiền nước, tổng cộng là 22.000.000 đồng. Do sợ nguy hiểm đến tính mạng nên ông Hội lấy tiền đưa cho Phúc đếm, Phúc lấy 22.000.000 đồng rồi nói “sao nợ tiền người ta mà không trả” và dùng cùi chỏ đánh vào người ông Hội. Sau khi lấy được tiền thì nhóm của Tiên thả ông Hội xuống khu vực xã Suối Hiệp và đi về hướng Cam Ranh. Phúc trả 500.000 đồng tiền thuê xe, còn lại đưa hết cho Tiên. Tiên dẫn Phúc, Phú đi ăn uống, số tiền còn lại Tiên cất giữ, sau đó Tiên đưa cho Mỹ Anh 7.500.000 đồng. Cơ quan điều tra khám xét chỗ ở của Tiên thu giữ 8.100.000 đồng.

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA PHỐI HỢP VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA TỔ CHỨC PHIÊN TÒA RÚT KINH NGHIỆM VỤ ÁN HÌNH SỰ PHÚC THẨM

Toàn cảnh phiên tòa

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh đã xử phạt bị cáo Nguyễn Quốc Tiên và Nguyễn Hoàng Phúc, mỗi bị cáo 07 năm 06 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Anh 06 năm tù đều về tội “ Cướp tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trong thời hạn luật định, bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Anh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên xử bị cáo không phạm tội “ Cướp tài sản”; Các bị cáo Nguyễn Quốc Tiên, Nguyễn Hoàng Phúc kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đã trình bày quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa: HĐXX cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hậu quả của hành vi phạm tội; Vai trò của mỗi bị cáo trong đồng phạm; Xem xét nhân thân và áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của BLHS năm 1999 đối với mỗi bị cáo và tuyên phạt các bị cáo với mức án như đã nêu trên về tội “ Cướp tài sản” là thỏa đáng.

Đối với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Anh: Bản án sơ thẩm đã nêu rõ diễn biến hành vi phạm tội, phân tích rõ mối quan hệ và vai trò của bị cáo trong đồng phạm, đánh giá tính chất mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Anh phạm tội “ Cướp tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

Các luật sư bào chữa cho rằng bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Anh không phạm tội; luật sư bào chữa cho Nguyễn Quốc Tiên và Nguyễn Hoàng Phúc xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Đối đáp với các luật sư, Kiểm sát viên đã dẫn các tài liệu, chứng cứ được thu thập có tại hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, lời khai của người bị hại tại phiên tòa phúc thẩm để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo. Hành vi phạm tồi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “ Cướp tài tài “ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999. Tại hồ sơ và tại phiên tòa, các bị cáo không đưa ra được tình tiết nào mới so với án sơ thẩm nên không có cơ sở để chấp chấp nhận kháng cáo. Do đó, Kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm như đã kết luận, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Hội đồng xét xử phúc thẩm, căn cứ tài liệu, chứng cứ được thu thập có tại hồ sơ vụ án, lời khai bị cáo, lời khai bị hại, lời khai nhân chứng đồng thời trên cơ sở ý kiến của Kiểm sát viên, ý kiến luật sư đã quyết định: không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Anh, Nguyễn Quốc Tiên và Nguyễn Hoàng Phúc.

Sau khi kết thúc phiên tòa, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm đối với kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sư. Trên tinh thần thẳng thắn và mang tính xây dựng, các đồng chí tham dự phiên họp đã nhận xét: Kiểm sát viên đã thực hiện đúng chức năng thực quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa đồng thời, tích cực tham gia xét hỏi để làm rõ các tình tiết, chứng cứ của vụ án; Tranh luận, đối đáp lại các ý kiến của Luật sư, bảo vệ quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận. Mạnh dạn nêu lên những ưu điểm, hạn chế của Thẩm phán, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác đối với vụ án.

Thông qua việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã góp phần nâng cao hơn tinh thần trách nhiệm, bồi dưỡng kỹ năng, tích lũy kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong công tác kiểm sát thực hành quyền công tố trong giải quyết án hình sự.

Võ Văn Thành - Phòng 7

Liên kết website

Thông kê truy cập