Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Vụ kiện hơn 20 năm chưa kết thúc

Thực tiễn xét xử cho thấy, có những bản án có hiệu lực xử sai, bị Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao hủy án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để giải quyết lại cho đúng. Thế nhưng khi xử lại, Tòa án các cấp vẫn không xử đúng pháp luật, không đúng đường lối của TAND Tối cao nên tiếp tục bị hủy. Vụ kiện dưới đây lập “kỷ lục” về thời gian giải quyết là một ví dụ điển hình.

Nội dung vụ kiện

Đó là vụ kiện nhà đất số 8 đường Võ Thị Sáu, TP. Nha Trang, mà Báo Khánh Hòa từng đề cập, giữa nguyên đơn là bà Thái Thị Xuân Hoa, bị đơn là ông Nguyễn Xăng và bà Nguyễn Thị Lèo. Đến nay, vụ kiện này đã có 13 bản án, trong đó 5 bản án sơ thẩm, 5 bản án phúc thẩm và 3 bản án giám đốc thẩm nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Hơn 20 năm trước, bà Hoa khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả lại nền nhà, công trình kiến trúc và diện tích 288m2 tọa lạc tại 8B Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang. Nhà đất này do vợ chồng bà Hoa tạo lập từ năm 1968, có giấy tờ hợp lệ của chế độ cũ. Năm 1976, bà Hoa cho ông Nguyễn Ba ở nhờ phần nhà phụ. Khi ông Nguyễn Ba bỏ đi, ông Nguyễn Trung Chánh (cha của ông Nguyễn Ba) lại viết giấy bán nhà đất này cho Hợp tác xã (HTX) Trường Nguyên do ông Nguyễn Xăng làm chủ nhiệm. Sau đó, HTX Trường Nguyên lại bán cho ông Xăng và bà Lèo với giá 900 đồng. Khi phát hiện ra việc chiếm dụng, chuyển nhượng tài sản trái phép, bà Hoa đã liên tục khiếu nại và khởi kiện.

Điệp khúc hủy án

 

Năm 1993, TAND TP. Nha Trang xét xử sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoa. Tháng 9-1993, TAND tỉnh xử phúc thẩm đã tuyên ngược lại án sơ thẩm, bác yêu cầu của bà Hoa và công nhận ông Xăng được quyền sở hữu phần vật kiến trúc trên đất và được quyền sử dụng đất. Bản án này bị Chánh án TAND Tối cao kháng nghị nên tháng 8-1994, Tòa dân sự - TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Đến tháng 5-2001, TAND tỉnh xét xử sơ thẩm lần 2, tuyên xử chấp nhận yêu cầu của bà Hoa; buộc các bị đơn phải trả lại đất và tháo dỡ toàn bộ nguyên vật liệu đã xây dựng, đồng thời, hủy bỏ các giấy sang nhượng có liên quan đến nhà đất số 8B Võ Thị Sáu. Tháng 5-2002, Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử: Buộc các bị đơn phải tháo dỡ toàn bộ nguyên vật liệu xây cất, trả đất lại cho bà Hoa, các giấy sang nhượng đất có liên quan, chấp nhận sự tự nguyện của vợ ông Nguyễn Trung Chánh trả cho ông Xăng 800 đồng, thay cho HTX Trường Nguyên. Tháng 3-2003, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm.

Tháng 10-2003, TAND tỉnh xét xử sơ thẩm lần 3 tuyên xử: chấp nhận yêu cầu của bà Hoa, hủy toàn bộ giấy sang nhượng có liên quan đến nhà đất trên vì các hợp đồng này đều trái pháp luật và vô hiệu. Nhưng lại giao cho bị đơn được quyền sở hữu toàn bộ nhà đất tranh chấp, bị đơn chỉ phải thanh toán cho bà Hoa số tiền 250.000 đồng giá trị cây ăn trái. Tháng 12-2004, Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao xử phúc thẩm lần 3 giữ án sơ thẩm, xử giao cho bị đơn được quyền sở hữu nhà đất tranh chấp, buộc HTX Trường Nguyên bồi thường giá trị đất cho bà Hoa 230,4 triệu đồng, buộc vợ con ông Chánh phải bồi thường giá trị đất cho bà Hoa là 460 triệu đồng.

Ngày 4-3-2008, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa đã phân tích: quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất là tài sản hợp pháp của vợ chồng bà Hoa, không có căn cứ xác định bà Hoa đã bán căn nhà phụ có điều kiện cho ông Nguyễn Ba. Các hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông Chánh với HTX Trường Nguyên, giữa HTX Trường Nguyên với ông Xăng đều vô hiệu. Tài sản mua bán bất hợp pháp trên phải được trả lại cho chủ sở hữu nhà và sử dụng đất là bà Hoa. Vì vậy, án giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm.

Vòng tố tụng luẩn quẩn

Các lần xử lại theo thủ tục sơ thẩm vẫn không đúng, tại án sơ thẩm lần thứ 4, tuy kết luận bà Hoa là chủ sở hữu tài sản tranh chấp, nhưng lại giao cho bị đơn được tiếp tục sử dụng toàn bộ diện tích đất tranh chấp, buộc những người thừa kế của ông Chánh phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường số tiền gần 2 tỷ đồng  trong phạm vi di sản do ông Chánh để lại. HTX có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giá trị đất hơn 641 triệu đồng.

Bản án phúc thẩm lần thứ 4 lại tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho Tòa án tỉnh để xử lại. Ngày 28-9-2011, Tòa án tỉnh xét xử sơ thẩm (lần 5) và tiếp tục có bản án không đúng nên ngày 25-8-2014, Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao xử phúc thẩm lần thứ 5. Hội đồng xét xử nhận định: Án sơ thẩm của TAND tỉnh nhận định và quyết định các hợp đồng mua bán nhà đất giữa ông Nguyễn Trung Chánh với HTX Trường Nguyên; giữa HTX Trường Nguyên và vợ chồng ông Nguyễn Xăng vô hiệu là có căn cứ, đúng pháp luật. Nhưng khi giải quyết hậu quả các hợp đồng vô hiệu nói trên, dù không có tình tiết nào khác, lại không áp dụng đúng quy định về nguyên tắc “xử lý hợp đồng vô hiệu”. Vì thế, Tòa phúc thẩm tuyên xử hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho Tòa án tỉnh xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.

Biết đến bao giờ vụ kiện này được giải quyết bằng bản án có hiệu lực đúng pháp luật? Hy vọng rằng những sai sót trong việc xét xử của các bản án sơ thẩm đã bị hủy sẽ được lãnh đạo TAND tỉnh rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác áp dụng pháp luật, đảm bảo việc xét xử khách quan, đúng pháp luật.

Theo baokhanhhoa.com.vn

Liên kết website

Thông kê truy cập