Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

XÂY DỰNG BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG: TỪ NHẬN THỨC ĐẾN HÀNH ĐỘNG

Tham nhũng là một trong những vấn đề nhức nhối và có sức tàn phá lớn đối với mọi quốc gia, không chỉ làm suy yếu hệ thống chính trị, giảm lòng tin của người dân vào chính quyền mà còn cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội.

Công cuộc cấp bách hiện nay mà Đảng và Chính phủ đặc biệt chú trọng quan tâm là nhìn nhận đúng với thực tế về vấn nạn tham nhũng hiện nay ở Việt Nam để từ đó khắc phục; phòng, chống tham nhũng trên toàn quốc gia.

Chính vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ là một nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với mọi xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Công an thông báo về tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện hơn 3.000 vụ phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (nhiều hơn 21,63%), hơn 4.900 đối tượng (nhiều hơn 47,12%) so với cùng kỳ năm 2023); 357 vụ phạm tội về môi trường, an toàn thực phẩm (nhiều hơn 6,89%); 473 cá nhân (nhiều hơn 24,15%) so với cùng kỳ năm 2023. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã lan tỏa rất mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trở thành một xu thế nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn rất cam go, đầy khó khăn, thách thức, vì thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và được ngụy trang, che đậy rất kín đáo, hòng lách luật, tìm mọi cách để qua mặt các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước; do đó, thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định thật chặt chẽ, khoa học, dân chủ để thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh này.

Sau đây là quan điểm của tôi về các biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn tham nhũng:

1. Hoạt động của cơ quan nhà nước cần minh bạch, công khai để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp ngăn chặn tham nhũng là đảm bảo tính công khai, minh bạch. Các hoạt động của cơ quan Nhà nước từ việc quản lý ngân sách, đấu thầu công, cho đến các quyết định hành chính phải được công khai và dễ dàng tiếp cận. Người dân và các tổ chức có thể giám sát, phản biện các hoạt động này, từ đó giảm thiểu nguy cơ tham nhũng.

Tại Việt Nam hiện nay các cơ quan Nhà nước đã áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, giúp công dân dễ dàng tiếp cận thông tin và hoàn tất các thủ tục hành chính mà không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, qua đó hạn chế tình trạng đút lót, hối lộ. Ví dụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai hệ thống cấp giấy phép về môi trường và đất đai trực tuyến, giúp giảm thiểu các thủ tục có thể bị lợi dụng.

 2. Có biện pháp cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả công vụ

Một hệ thống hành chính công hiệu quả, gọn nhẹ và dễ tiếp cận sẽ làm giảm cơ hội tham nhũng. Cải cách thủ tục hành chính bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý công việc, giảm bớt sự can thiệp của con người vào các quy trình.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai Cổng thông tin đấu thầu quốc gia và các Cổng thông tin tài chính Nhà nước để công khai các dự án công, ngân sách Nhà nước, thông tin về đấu thầu và các quyết định đầu tư công. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu việc thao túng trong đấu thầu mà còn giúp người dân tham gia giám sát hiệu quả hơn.

Việt Nam hiện nay đã từng bước áp dụng sâu rộng các ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn đời sống, điển hình như ứng dụng trực tuyến Cổng tiếp nhận tố giác tham nhũng của Thanh tra Chính phủ để công dân dễ dàng tố giác các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên việc tố giác tham nhũng qua Cổng tiếp nhận trực tuyến ở Việt Nam vẫn gặp một số bất cập, bao gồm bảo mật thông tin chưa đảm bảo, khó tiếp cận đối với người dân thiếu kỹ năng công nghệ, và thiếu minh bạch trong xử lý tố giác. Hệ thống cũng gặp khó khăn trong việc phân loại và xử lý tố giác, do thiếu cơ sở chứng cứ rõ ràng. Thêm vào đó, sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và thiếu hướng dẫn cho người tố cáo làm giảm hiệu quả.

Như vậy, cần phải gấp rút khắc phục các lỗ hỏng trên, cải thiện bảo mật, đơn giản hóa quy trình, tăng cường minh bạch và sự phối hợp giữa các cơ quan để người dân yên tâm, mạnh dạn hơn nữa khi sử dụng các ứng dụng công nghệ trực tuyến để góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh, trong sạch.

 3. Tăng cường tính tự giác trách nhiệm và thực hiện giám sát nội bộ

Mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước cần phải chịu trách nhiệm rõ ràng về công việc của mình. Việc giám sát nội bộ có thể thông qua các cuộc thanh tra, kiểm toán, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. Các cơ quan này cần phải hoạt động độc lập và không chịu sự tác động từ các yếu tố bên ngoài.

 4. Ra tay quyết liệt trong việc xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng

Để ngăn ngừa tham nhũng, việc xây dựng một hệ thống pháp lý vững mạnh là điều kiện tiên quyết. Các cơ quan tư pháp cần có quyền lực và độc lập trong việc điều tra và xử lý các vụ án tham nhũng, kể cả với những người có chức vụ cao. Các cơ chế kiểm tra, thanh tra cần được tăng cường để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng; kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng một cách nghiêm minh và công khai.

Điển hình như trong vụ án tham nhũng trọng điểm xôn xao dư luận  như vụ Đinh La Thăng hay vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý nghiêm minh các vụ tham nhũng được cả nước quan tâm hàng đầu, tạo được niềm tin trong dân chúng, góp phần xây dựng củng cố con đường cách mạng ngày càng vững chắc.

Theo Phó Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đề cập 6 đại án điển hình là kết quả nổi bật trong công tác điều tra, xử lý tham nhũng, tiêu cực:

 Đầu tiên, là vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á. Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, “đây là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực y tế, chuyên môn sâu. Cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 33 vụ án, 133 bị can. Trong đó, có 3 Ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng và bí thư tỉnh ủy; 1 thứ trưởng, 1 trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều cán bộ cấp vụ, cục, lãnh đạo các tổ chức, cơ sở y tế địa phương”.

Đại án thứ 2 xảy ra tại Tập đoàn FLC - điển hình sai phạm trong lĩnh vực thao túng thị trường chứng khoán, chuyên môn sâu, hoạt động khép kín. Trong vụ án này đã khởi tố 21 bị can, đã kết luận điều tra giai đoạn I và đề nghị truy tố.

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh: “Đây là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nói, đến nay đã kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án thứ 4 liên quan đến Công ty AIC - điển hình sai phạm trong đấu thầu, đấu giá. Với vụ án này, theo Phó Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, đã khởi tố 04 vụ án, 71 bị can, trong đó đã xử lý hình sự 1 nguyên bí thư tỉnh ủy, 1 nguyên chủ tịch tỉnh và nhiều cán bộ diện tỉnh ủy quản lý.

Đại án thứ 5 là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm sân sau cho doanh nghiệp, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB; đã khởi tố 3 vụ án, 108 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.

Sáu là đại án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm địa phương - điển hình cho sai phạm có tính hệ thống, kéo dài. Ông Dũng cho biết, các cơ quan đã khởi tố 114 vụ án/808 bị can tại 49 địa phương.

 5. Đẩy mạnh giáo dục và tuyên truyền về đạo đức công vụ

Việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức công vụ và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức cũng như toàn thể người dân về tác hại của tham nhũng là rất cần thiết. Các chương trình đào tạo về phẩm chất đạo đức, kỹ năng làm việc công tâm, trung thực phải được tổ chức thường xuyên để dần dần đi vào nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi tập thể nhận thức đúng đắn về giá trị xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, “chí công vô tư”.

6. Tham gia của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng

Mặc dù các biện pháp phòng, chống tham nhũng chủ yếu do các cơ quan Nhà nước thực hiện, nhưng mỗi người dân đều có vai trò quan trọng trong công tác này. Người dân cần chủ động tham gia giám sát các hoạt động của chính quyền, báo cáo các hành vi tham nhũng và tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Việc xây dựng một mạng lưới giám sát xã hội, khuyến khích báo cáo hành vi tham nhũng qua các đường dây nóng hoặc ứng dụng trực tuyến sẽ góp phần đáng kể vào việc phát hiện và ngăn chặn tham nhũng.

Chỉ khi toàn xã hội cùng chung tay, công cuộc phòng chống tham nhũng mới có thể đạt được kết quả lâu dài, bảo vệ niềm tin của nhân dân và sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

7. Hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng

Tham nhũng không biên giới và có thể lan rộng trên phạm vi quốc tế. Việc hợp tác giữa các quốc gia trong việc điều tra, truy tố và tịch thu tài sản tham nhũng có thể làm tăng hiệu quả trong việc ngăn chặn và xử lý các vụ tham nhũng quốc tế.

Theo tôi đánh giá việc phòng, chống tham nhũng là một công việc lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của chính phủ mà còn của toàn xã hội. Để đạt được mục tiêu này, cần có một hệ thống pháp luật hoàn thiện, một môi trường làm việc công khai, minh bạch, và sự tham gia tích cực của người dân.

Như vậy việc áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng không chỉ giúp bảo vệ tài sản công mà còn xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, từ đó tạo đà cho sự phát triển bền vững.​ Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp lý, tăng cường minh bạch và giám sát trong các cơ quan Nhà nước. Đồng thời cần khuyến khích sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội trong việc phát hiện và đấu tranh với tham nhũng; nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng; có các chế tài mạnh mẽ, công khai trong xử lý để góp phần tạo ra một môi trường chính trị, xã hội lành mạnh, giúp đất nước phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế.

Minh Nguyệt - Thanh tra Khiếu tố

Liên kết website

Thông kê truy cập