- Thời hiệu khiếu nại được quy định tại Điều 471 Bộ
luật Tố tụng hình sự như sau:
“1. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người
khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho
rằng có vi phạm pháp luật.
2. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở
ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo
đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó
không tính vào thời hiệu khiếu nại.”
- Thẩm
quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó
Thủ trưởng Cơ quan điều tra được quy định tại khoản 1 Điều 475 Bộ luật Tố tụng
hình sự như sau:
“Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố
tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ
khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam
do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ
ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Thủ
trưởng Cơ quan điều tra thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết
định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng
Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại,
Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải
quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp là quyết định có hiệu lực pháp
luật.”
Như
vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ về thời hiệu khiếu nại cũng như
thời hạn và thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trên thực tế khi Cơ quan điều
tra chưa có Thủ trưởng thì việc khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã phát sinh mâu thuẫn về xác định thẩm
quyền giải quyết khiếu nại.
* Các quan điểm khi xác định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong trường hợp chưa có Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Tình huống thực tiễn: Ngày 01/01/2024, ông Nguyễn Văn A được Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành giao nhận Thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự do Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ký. Ngày 03/01/2024, ông A có đơn khiếu nại về việc không khởi tố vụ án hình sự theo Thông báo trên. Tại thời điểm này, Cơ quan điều tra chưa có Thủ trưởng nên đã xử lý trả lại đơn và hướng dẫn ông A khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để được xem xét, giải quyết. Ngày 15/01/2024, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tiến hành làm việc với ông A theo đơn khiếu nại ghi ngày 03/01/2024 nhưng chưa tiến hành thụ lý đơn khiếu nại. Đến ngày 22/01/2024, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tiếp tục làm việc với ông A và tiến hành thụ lý đơn khiếu nại ghi ngày 22/01/2024 để giải quyết (nội dung đơn không có gì thay đổi so với nội dung đơn ngày 03/01/2024). Tuy nhiên trước đó vào ngày 15/01/2024, Cơ quan điều tra đã có Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Quan
điểm thứ nhất cho rằng, khiếu nại xảy ra trong thời điểm Cơ quan điều tra chưa
có Thủ trưởng thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Viện trưởng Viện kiểm sát cùng
cấp; thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp
không thay đổi kể cả khi đã có Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Quan
điểm thứ hai cho rằng, khiếu nại xảy ra tại thời điểm trước khi Cơ quan điều
tra có Thủ trưởng nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về Viện trưởng Viện
kiểm sát cùng cấp, nhưng sau khi Cơ quan điều tra đã có Thủ trưởng mà khiếu nại
vẫn chưa được thụ lý thì thẩm quyền thụ lý để giải quyết khiếu nại đó phải được
chuyển lại cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra để giải quyết theo quy định tại
khoản 1 Điều 475 BLTTHS.
Quan điểm của tác giả cho rằng, thẩm quyền giải quyết khiếu nại được xác định tùy thuộc vào thời điểm khiếu nại gửi đến cơ quan có thẩm quyền có đủ điều kiện thụ lý đơn. Nếu tại thời điểm này Cơ quan điều tra chưa có Thủ trưởng thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên sau thời điểm này, Cơ quan điều tra đã có Thủ trưởng mà khiếu nại tiếp tục được gửi đến, vẫn đảm bảo trong thời hiệu khiếu nại và đủ kiều kiện thụ lý đơn thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó phải được chuyển lại cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Trong ví dụ thực tiễn nêu trên, ông A đã có đơn khiếu nại vào ngày 03/01/2024 là đảm bảo trong thời hiệu khiếu nại và đủ điều kiện thụ lý, thời điểm này Cơ quan điều tra chưa có Thủ trưởng nên việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc Viện kiểm sát cùng cấp không thụ lý đơn ghi ngày 03/01/2024 mà thụ lý đơn ghi ngày 22/01/2024 là thời điểm đã hết thời hiệu khiếu nại theo quy định tại Điều 471 BLTTHS nên việc thụ lý để giải quyết khiếu nại vào thời điểm này đồng thời dẫn đến sai phạm về mặt thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi Cơ quan điều tra đã có Thủ trưởng từ ngày 15/01/2024, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lúc này phải thuộc về Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Cách hiểu này là phù hợp với các quy định về thời hiệu khiếu nại cũng như về thời hạn và thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 471 và Điều 475 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả trong việc áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong trường hợp chưa có Thủ trưởng Cơ quan điều tra, rất mong nhận được ý kiến phản hồi, qua đó tìm được nhận thức đúng đắn trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật trong thực tiễn.