Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Bàn về trường hợp Tòa án có được ra Quyết định đình chỉ giải quyết việc hôn nhân gia đình khi người yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn không tham gia phiên hòa giải theo Thông báo của Tòa án?

Thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con chung, chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thành một chương riêng biệt trong toàn Bộ luật và được cụ thể hóa tại Chương XXVIII với tiêu đề “Thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. So với BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì BLTTDS năm 2015 đã quy định một cách rõ ràng hơn, cụ thể hơn về thủ tục để giải quyết các yêu cầu về hôn nhân gia đình nói chung.

Điều 397-BLTTDS năm 2015 quy định về “hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. Theo đó, hòa giải được xác định là một trong những thủ tục bắt buộc trong quá trình Tòa án giải quyết việc hôn nhân gia đình. Thủ tục này được tiến hành sau khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu của người yêu cầu và trước khi Tòa án xét đơn yêu cầu. Về trình tự, thủ tục hòa giải được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu của Tòa án.

Theo quy định tại Điều 397- BLTTDS năm 2015, tùy theo kết quả hòa giải Tòa án sẽ ra một trong các quyết định sau: đình chỉ giải quyết yêu cầu của người yêu cầu trong trường hợp qua hòa giải vợ chồng đoàn tụ; quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp qua hòa giải vợ chồng không đoàn tụ được và họ thực sự tự nguyện ly hôn cũng như đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; trường hợp qua hòa giải, vợ chồng không đoàn tụ được và cũng không thỏa thuận được về giải quyết tài sản chung cũng như việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự theo yêu cầu của họ và chuyển thụ lý vụ án để giải quyết theo thủ tục chung.

Song, vấn đề đặt ra là: Đối với trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con chung, chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án đã thực hiện việc thông báo về phiên hòa giải nhưng những người yêu cầu không đến Tòa để tham gia phiên hòa giải theo Thông báo của Tòa án thì Tòa án có thể căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 217 BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết việc hôn nhân gia đình của họ không ?

 Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng trường hợp những người yêu cầu không đến Tòa để tham gia phiên hòa giải mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nên vụ việc trên thuộc trường hợp “những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được” theo quy định tại Điều 207-BLTTDS. Do đó, Tòa án ra Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

Theo tôi, quan điểm này là không thuyết phục. Vì theo quy định tại Điều 207- BLTTDS năm 2015 thì diện “vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được”, bao gồm: bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng; đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; hoặc trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

Mặt khác, nghiên cứu quy định tại Điều 397- BLTTDS năm 2015, có thể thấy rằng những người yêu cầu đều phải trải qua phiên hòa giải với các kết quả cụ thể như đã phân tích ở trên. Vì vậy, có thể hiểu rằng khi họ chưa thực hiện phiên hòa giải thì Tòa án cũng không thể đưa yêu cầu của họ ra để xét. Trong khi, trường hợp này, người yêu cầu đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng đã không đến Tòa để để tham gia phiên hòa giải cho thấy họ không thuộc một trong các trường hợp được nêu tại Điều 207-BLTTDS năm 2015 nên theo quy định tại Điều 361-BLTTDS năm 2015 về “… Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự” nên Tòa án căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 217- BLTTDS năm 2015 ra quyết định đình chỉ giải quyết việc hôn nhân gia đình của họ nếu việc triệu tập họ tham gia phiên hòa giải đến lần thứ hai hoàn toàn hợp lệ nhưng họ vẫn vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Bởi, điểm c, khoản 1, Điều 217- BLTTDS năm 2015 quy định “Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau: c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.

Như vậy, đối với trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con chung, chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà Tòa án đã thực hiện việc thông báo về phiên hòa giải đến lần thứ hai nhưng người yêu cầu vẫn không đến Tòa để tham gia phiên hòa giải mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 217- BLTTDS năm 2015 để ra quyết định đình chỉ giải quyết việc hôn nhân gia đình của họ là hoàn toàn có căn cứ.

Rất mong bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi ý kiến về trường hợp nêu trên.

Ngọc Thuận - VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập