Trước yêu cầu đó, những năm qua, ngành Kiểm sát Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tranh tụng của Kiểm sát viên và đạt được một số kết quả quan trọng. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những Kiểm sát viên thể hiện tốt vai trò thực hành quyền công tố Nhà nước tại phiên tòa, nhất là giai đoạn tranh tụng, cũng còn có Kiểm sát viên khi tranh luận với Luật sư, bị cáo chưa có sức thuyết phục, thậm chí còn né tránh, ngại tranh luận. Nhằm nâng cao năng lực tranh tụng của Kiểm sát viên cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là: Nâng cao trách nhiệm của Lãnh đạo Viện trong quản lý, chỉ đạo, điều hành các hoạt động tố tụng hình sự và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Phải nắm vững nguyên tắc chính trị, pháp luật và nghĩa vụ. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị tham gia xét xử như nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị đề cương tham gia xét hỏi, đề cương tranh tụng, dự kiến tình huống tranh tụng, dự thảo luận tội trên cơ sở nghiên cứu, nắm vững nội dung của vụ án, hệ thống chứng cứ buộc tội, gỡ tội và các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Thực hiện tốt việc nghe báo cáo án, chỉ đạo về đường lối giải quyết vụ án, chỉ đạo cụ thể các vấn đề nghiệp vụ mà Kiểm sát viên cần lưu ý khi tham gia phiên toà. Thường xuyên rút kinh nghiệm, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho Kiểm sát viên. Trong quá trình thực hành quyền công tố tại phiên toà, các Kiểm sát viên phải tập trung theo dõi mọi diễn biến của phiên toà, chủ động tham gia xét hỏi để góp phần làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án; ghi chép đầy đủ nội dung xét hỏi, trả lời các ý kiến mà bị cáo, Luật sư và những người tham gia tố tụng nêu lên, nhất là những ý kiến phản bác lại nội dung Bản luận tội của Kiểm sát viên để chủ động tranh luận. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng, bởi vì kết quả của quá trình thẩm vấn công khai tại phiên toà sẽ giúp Kiểm sát viên hệ thống lại toàn bộ các chứng cứ của vụ án đã được kiểm tra tại phiên toà để hoàn chỉnh nội dung Bản luận tội; việc ghi chép đầy đủ các ý kiến sẽ giúp cho Kiểm sát viên chủ động trong tranh luận, xác định đúng những vấn đề trọng tâm cần phải tranh luận để bảo vệ quan điểm truy tố, luận tội.
Hai là: Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải quán triệt quan điểm chỉ đạo giải quyết vụ án của Lãnh đạo Viện cấp mình. Nếu tại phiên tòa có phát sinh tình tiết mới làm thay đổi quan điểm của Lãnh đạo Viện cấp mình về đường lối giải quyết vụ án thì phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện chỉ đạo giải quyết. Trường hợp vì lý do nào đó không thể báo cáo được thì Kiểm sát viên quyết định việc giải quyết vụ án trên cơ sở pháp luật, kết quả thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa và phải chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Viện về quyết định của mình.
Ba là: Kiểm sát viên phải nắm vững pháp luật, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực hình sự. Đây là điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với Kiểm sát viên thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự. Thực tế cho thấy, Kiểm sát viên có trình độ chuyên môn và nắm vững pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự thì chủ động trong việc tranh luận và việc tranh luận có căn cứ thuyết phục đối với bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác, đồng thời cũng thuyết phục được Hội đồng xét xử và cả những người tham dự phiên tòa. Ngược lại, nếu không nắm vững pháp luật, không có trình độ chuyên môn dễ dẫn đến tranh luận thiếu căn cứ, không thuyết phục được Hội đồng xét xử, những quan điểm tranh luận của Kiểm sát viên sẽ không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Thậm chí còn làm giảm sút lòng tin, uy tín của Ngành đối với người dân.
Bốn là: Kiểm sát viên phải nắm đầy đủ, toàn diện nội dung, chứng cứ, tình tiết của vụ án. Đây cũng là một trong những yêu cầu rất quan trọng để đảm bảo chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên. Những tài liệu, chứng cứ thể hiện trong hồ sơ vụ án là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để tranh tụng với những ý kiến, quan điểm trái chiều của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
Năm là: Kịp thời bổ sung, chỉnh lý Bản luận tội trên cơ sở chứng cứ, tài liệu được thẩm tra tại phiên tòa. Thông qua phần xét hỏi, thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải kịp thời bổ sung, chỉnh lý những nội dung của dự thảo Bản luận tội không còn phù hợp, thiếu cơ sở chứng cứ, chưa đầy đủ, chưa đúng, sát với sự thật khách quan, diễn biến của vụ án, nhằm đảm bảo cho những lập luận, phân tích, đánh giá, quan điểm của Kiểm sát viên thể hiện trong Bản luận tội có cơ sở pháp lý, phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, từ đó mang tính thuyết phục cao đối với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác và sẽ làm hạn chế phát biểu tranh luận của họ. Một Bản luận tội chất lượng, phân tích đánh giá sâu sắc, lập luận chặt chẽ có cơ sở pháp lý, vận dụng pháp luật đúng đắn, đề ra quan điểm, đường lối xử lý phù hợp với pháp luật và tình tiết chứng cứ của vụ án, cũng là cơ sở giúp cho việc tranh tụng của Kiểm sát viên đạt kết quả tốt nhất.
Sáu là: Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải lắng nghe, ghi chép đầy đủ ý kiến phát biểu của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Đây là vấn đề bắt buộc Kiểm sát viên phải thực hiện. Để qua đó xác định quan điểm, ý kiến nào của những người này trái với quan điểm của Kiểm sát viên mà tập trung phát biểu tranh tụng, cũng để giúp cho Kiểm sát viên phát biểu tranh tụng tất cả những ý kiến của họ theo đúng quy định tại Điều 322 BLTTHS năm 2015. Ngược lại, nếu không lắng nghe, không ghi chép đầy đủ dễ dẫn đến Kiểm sát viên phát biểu tranh tụng không đúng, không đầy đủ với nội dung đã phát biểu.
Bảy là: Nội dung phát biểu tranh tụng của Kiểm sát viên cần ngắn gọn, dễ hiểu và đúng nội dung cụ thể vấn đề mà bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác phát biểu nêu ra tranh tụng. Không nên tranh luận “chay” mà phải có tài liệu, dẫn chứng chứng minh bằng chứng cứ, bằng pháp luật, kể cả bằng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với từng nội dung tranh luận, dù đó là quan điểm phản bác hay chấp nhận ý kiến tranh luận của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
Tám là: Sử dụng từ ngữ xưng hô khi tranh tụng đúng chuẩn mực tại Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án.
Chín là: Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là một giải pháp cụ thể, hữu hiệu giúp Kiểm sát viên tự đào tạo nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, song cần tổng kết việc áp dụng biện pháp này để nâng cao hơn nữa chất lượng phiên toà rút kinh nghiệm. Việc tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm là biện pháp đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng công chức, Kiểm sát viên của đơn vị Viện kiểm sát về Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, trong đó nhấn mạnh nội dung rút kinh nghiệm về kỹ năng tranh tụng. Việc chọn vụ án phức tạp hay đơn giản, có hay không có Luật sư bào chữa, có đông hay có ít bị cáo…phụ thuộc vào việc cần rút kinh nghiệm cho ai, người đó là Kiểm sát viên lâu năm hay mới vào nghề; việc rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố là chính hay là rút kinh nghiệm cho những người tham dự phiên toà? Qua đó để chọn vụ án cho phù hợp. Cần tránh nhận thức cho rằng việc tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm là để thực hiện phong trào thi đua, để chấm điểm và phân loại, đánh giá Kiểm sát viên. Tuy rằng, trong hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ và chỉ tiêu thi đua của Ngành có quy định về việc tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm nhưng việc tổ chức phiên toà này trước hết phải vì mục đích nâng cao chất lượng THQCT và KSXX nói chung, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà nói riêng.