Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

Nhiệt liệt chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Gỉai quyết vụ án theo hướng nào khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa phúc thẩm?

Phạm Kim Q và chị Trần Thị Bích T là vợ chồng đã ly hôn, nhưng Q thường xuyên theo dõi và nghi ngờ chị T có đàn ông khác nên vào khoảng 22 giờ ngày 01/11/2014, hai người xảy ra cãi vã. Do bực tức và thiếu kiềm chế nên Q đã dùng bật lửa đốt xe mô tô BKS 79N6-3946 của chị T làm cháy xe và toàn bộ vật dụng trong nhà bị hư hỏng hoàn toàn.  Qua định giá, tổng giá trị thiệt hại tài sản là 7.978.000 đồng.
Vào sáng ngày 20/3/2016, Q chở con chung đến giao cho chị T đang bán bánh mì để trông coi. Sau đó Q đi làm, đến khoảng 10 giờ cùng ngày thì Q quay lại đón con nhưng chị T không đồng ý nên xảy ra cãi nhau, Q dùng tay đấm vào mặt của chị T làm gãy xương mũi. Tỷ lệ thương tật 11%, chị T có đơn yêu cầu khởi tố vụ án.
(Ở vụ án này Phạm Kim Q bị xử lý về hai tội “Cố ý gây thương tích” và “Hủy hoại tài sản”, bài viết này chỉ bàn về tội danh khởi tố theo yêu cầu người bị hại. Để tiện theo dõi người viết không dẫn điều luật đã áp dụng của bản án sơ, phúc thẩm về tội “Hủy hoại tài sản”).
Bản án hình sự sơ thẩm ngày 16/11/2017, Tòa án nhân dân thành phố N. áp dụng khoản 1, Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo Phạm Kim Q 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngày 16/11/2017, bị cáo Phạm Kim Q có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 31/01/2018, Tòa án nhân dân tỉnh K nhận được đơn của chị Trần Thị Bích T nội dung rút đơn yêu cầu khởi tố đối với Phạm Kim Q.
Ngày 07/02/2018, Tòa án nhân dân tỉnh K mở phiên tòa phúc thẩm; tại phiên tòa người bị hại bảo lưu quan điểm rút đơn yều cầu khởi tố. Bản án hình sự phúc thẩm đã căn cứ khoản 2 Điều 155; Điều 282; điểm d khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự  tuyên đình chỉ vụ án về tội danh “Cố ý gây thương tích”; hủy một phần Bản án sơ thẩm nêu trên về phần các quyết định liên quan đến tội “Cố ý gây thương tích”;
Thời điểm vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật nên có nhiều quan điểm về hướng giải quyết đối với vụ án trên. Cụ thể:
Quan điểm thứ nhất: Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội “Cố ý gây thương tích” nằm trong chế định của khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quy định chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của người bị hại. Tại khoản 2 của Điều luật quy định: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ”. Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không giới hạn thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại, người bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào. Khác với khoản 2 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định “Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ”. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 155, Điều 282 và điểm d khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, quan điểm này áp dụng Điều 282 Bộ luật tố tụng hình sự để đình chỉ vụ án là không phù hợp, vì Điều 282 nằm trong chương XXI quy định trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Pháp luật tố tụng hình sự năm 2015 cho phép người yêu cầu khởi tố rút đơn bất cứ giai đoạn tố tụng nào của vụ án. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ có quyền hủy bản án và đình chỉ vụ án nếu thuộc các trường hợp được nêu tại khoản 1,2,3,4,5,6, và 7 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự. Cụ thể thuộc các trường hợp “Không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác”. Không có quy định đình chỉ vụ án đối với trường hợp người bị hại rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Do đó, cho rằng bản án phúc thẩm (quan điểm 1) nêu trên có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật cần phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy phần bản án phúc thẩm đã tuyên về tội danh “Cố ý gây thương tích” như đã nêu trên để xét xử phúc thẩm lại. Tuy nhiên, quan điểm này không đưa ra được hướng giải quyết đối với vụ án khi kháng nghị được chấp nhận.
Quan điểm thứ ba thì cho rằng một trong các điều kiện để khởi tố vụ án theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự là đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại. Căn cứ pháp luật tố tụng hình sự năm 2015 cho phép người bị hại rút đơn ở bất cứ giai đoạn nào, nên khi họ rút đơn ở phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phải căn cứ vào khoản 2 Điều 157 và Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự; tuyên bố bị cáo không tội phạm, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 157(Hành vi không cấu thành tội phạm) Bộ luật tố tụng hình sự trong trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm có phù hợp không, khi mà hành vi của Q đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm trước thời điểm người hại bị rút đơn yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm.
Hiện vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy bản án phúc thẩm về tội danh “Cố ý gây thương tích” để xét xử lại theo trình tự phúc thẩm, vì cho rằng có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Mời các đồng nghiệp đưa ra quan điểm tranh luận về vụ án trên.

Phòng 7

Liên kết website

Thông kê truy cập