Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Giao nộp tài liệu, chứng cứ trong tố tụng hành chính, dân sự - Một số nội dung cần lưu ý đối với đương sự và Kiểm sát viên

Trong hoạt động xét xử nói chung, việc đánh giá chứng cứ luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án của Tòa án. Bởi lẽ, việc đánh giá chứng cứ đúng theo các quy định của pháp luật tố tụng liên quan sẽ luôn đảm bảo cho các phán quyết của Tòa án có căn cứ, đúng pháp luật và thuyết phục. Song, vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc đánh giá chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan xét xử đúng quy định của pháp luật tố tụng ? Hay nói khác hơn là làm thế nào để việc đánh giá chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan Tòa án bảo đảm được tính khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác ? Rõ ràng, để giải quyết vấn đề này, chúng ta đều biết cần xem xét ở nhiều góc độ: Từ phía các quy định của pháp luật tố tụng cần được xây dựng một cách rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, không chồng chéo nhau…; Từ phía người tiến hành tố tụng khi nhận thức, áp dụng pháp luật, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, khách quan khi xem xét, giải quyết vụ việc… Đối với vụ án hành chính, vụ, việc dân sự nói chung thì vấn đề này còn có liên quan từ phía chính các đương sự trong vụ án đối với việc nhận thức và thực hiện việc cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án. Đây chính là vấn đề lưu ý thứ nhất đối với đương sự trong việc giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc cơ quan tiến hành tố tụng.

Thực tiễn thực hiện công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính cho thấy để việc đánh giá chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan xét xử đảm bảo được các yếu tố: đầy đủ, toàn diện và chính xác thì trước tiên các đương sự trong vụ án cần hiểu và nhận thức đúng về việc giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án - Đó là việc cung cấp tài liệu, chứng cứ hay nói cách khác là việc giao nộp tài liệu, chứng cứ từ phía các đương sự trong vụ án cho Tòa án phải đầy đủ, chính xác, đúng trình tự, thủ tục giao nộp tài liệu chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính. Tác giả cho rằng đây là một nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng để việc đánh giá chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan xét xử đảm bảo được các yếu tố: đầy đủ, toàn diện và chính xác. Bi lẽ, thực tế cho thấy nhiều trường hợp đương sự không thực hiện việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, nhất là phía các đương sự là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do nhận thức từ việc cho rằng việc cung cấp chứng cứ thuộc về phía nguyên đơn hoặc người khởi kiện do họ là phía đưa ra yêu cầu khởi kiện nên họ phải có nghĩa vụ chứng minh. Song, nếu nhận thức như vậy lại thì “vô tình” bị đơn, người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã “bỏ lỡ” cơ hội đưa ra chứng cứ nhằm chứng minh bảo vệ quan điểm đối lập của mình hay nói khác hơn là để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả mong muốn các đương sự, nhất là bị đơn, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính, vụ, việc dân sự nói chung có nhìn nhận đúng đắn hơn về vấn đề này khi xác định việc cung cấp tài liệu, chứng cứ vừa là quyền nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ của các đương sự khi tham gia vào quan hệ tố tụng hành chính, quan hệ tố tụng dân sự, từ đó bảo vệ được một cách tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án dân sự, hành chính do Tòa án giải quyết. 

Bởi lẽ, quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự trong vụ án hành chính; vụ, việc dân sự, tại khoản 5- Điều 55- Luật tố tụng hành chính và khoản 5-Điều 70- Bộ luật tố tụng dân sự đều xác định rõ “đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng, bao gồm: cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Các quy định này cho thấy pháp luật tố tụng hành chính và dân sự không chỉ xác định việc cung cấp tài liệu, chứng cứ là quyền mà còn xác định đây là nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án hành chính, vụ, việc dân sự. Như vậy, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc cơ quan tiến hành tố tụng của đương sự trong vụ án hành chính, vụ, việc dân sự nói chung không phải chỉ là nghĩa vụ của người khởi kiện hoặc nguyên đơn đối với yêu cầu khởi kiện của mình hoặc nghĩa vụ của bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, mà việc cung cấp tài liệu, chứng cứ còn là quyền của bị đơn, của người bị kiện khi phản đối/ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, của nguyên đơn hoặc yêu cầu phản tố của bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập của của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nhằm để chứng minh yêu cầu của những người này là không có căn cứ. Việc đương sự nhận thức đúng đắn ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của việc giao nộp, cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ giúp cho việc đánh giá chưng cứ của Tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng được nhanh chóng, giảm thiểu được thời gian yêu cầu và chờ đợi đương sự cung cấp, giao nộp tài liệu chứng cứ, tạo điều kiện cho vụ án được giải quyết nhanh chóng.  

Vậy, đối với Kiểm sát viên- là các chủ thể thực hiện trực tiếp công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án, vụ việc của Tòa án thì khi kiểm sát việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án do đương sự cung cấp, đòi hỏi Kiểm sát viên cần lưu ý những vấn đề gì ? Đây chính là vấn đề lưu ý thứ hai đối với Kiểm sát viên trong việc kiểm sát việc giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.

Đối với vụ án hành chính và vụ, việc dân sự, các quy phạm quy định về việc giao nộp tài liệu, chứng cứ; nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại Luật tố tụng hành chính (LTTHC) và Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS). Theo đó, tại Điều 83-LTTHC và Điều 96-BLTTDS đã xác định rõ trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Khoản 2-Điều 84-LTTHC và theo quy định tại Điều 97 của BLTTDS để giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Quy định này cho thấy, nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án trước hết thuộc về các đương sự trong vụ án; trường hợp các đương sự không có tài liệu, chứng cứ để cung cấp cho Tòa án thì có thể tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ để nộp cho Tòa án và nếu không tự thu thập được thì đương sự có thể yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ thay cho mình theo quy định tại Khoản 1-Điều 84-LTTHC và Khoản 1-Điều 97-BLTTDS; trường hợp đương sự không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ mà không có lý do chính đáng và đương sự cũng không có yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ cho mình thì Tòa án tiến hành giải quyết vụ án trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được theo quy định tại Khoản 1-Điều 83-LTTHC và Khoản 1-Điều 96-BLTTDS. Do đó, Kiểm sát viên khi kiểm sát vụ án hành chính,vụ, việc dân sự cần lưu ý nội dung này nhằm đảm bảo các quyền tự thu thập tài liệu, chứng cứ, quyền được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ, việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ và quyền yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ thay cho mình trong trường hợp họ không thể tự thu thập được của các đương sự trong vụ án.

Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần hết sức lưu ý về thủ tục, trình tự của việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, cũng như việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án. Theo quy định tại Khoản 2-Điều 83-LTTHC và Khoản 2-Điều 96-BLTTDS, việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ.

Tại Khoản 3-Điều 83-LTTHC và Khoản 3-Điều 96-BLTTDS cũng quy định trường hợp đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ, tại Khoản 4-Điều 83-LTTHC và Khoản 4-Điều 96-BLTTDS đã quy định thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; Đặc biệt, đối với vụ,việc dân sự, Kiểm sát viên còn phải lưu ý đối với trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.

Như vậy, đối với vụ, việc dân sự nói chung, khi kiểm sát việc thu thập và giao nộp tài liệu, chứng cứ của đương sự cho Tòa án, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ để đánh giá xem việc thu thập chứng cứ của Tòa án có khách quan, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định không. Trong đó, cần lưu ý trường hợp: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng đương sự chưa cung cấp mà không có lí do chính đáng nhưng sau đó, Tòa án ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì đương sự mới cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án nhưng đương sự không chứng minh hoặc chứng minh không được lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó thì Hội đồng xét xử không được sử dụng các tài liệu đó để làm chứng cứ để giải quyết vụ án. Vì vậy, việc Hội đồng xét xử trong trường hợp nếu vẫn sử dụng các tài liệu này để làm chứng cứ để giải quyết vụ án là không đúng theo quy định của tố tụng dân sự được quy định tại Khoản 4-Điều 96-BLTTDS. Đây là nội dung rất quan trọng mà Kiểm sát viên khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự nói chung cần hết sức lưu ý nhằm tránh việc Tòa án có vi phạm đối với nội dung này nhưng Kiểm sát viên không kịp thời phát hiện. Tuy nhiên, Kiểm sát viên cũng cần lưu ý về nội dung này lại không được quy định của Luật tố tụng hành chính ràng buộc nên không xác định đây là nội dung Tòa án vi phạm nếu Hội đồng xét xử sử dụng các tài liệu do đương sự giao nộp trong trường hợp này làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

Đồng thời, tại Khoản 3-Điều 84-LTTHC và Khoản 3-Điều 97-BLTTDS cũng quy định khi tiến hành biện pháp yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ các tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án thì Tòa án phải tiến hành ra quyết định, trong đó phải nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án.

Ngoài ra, tại Khoản 5-Điều 96-BLTTDS cũng quy định khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của BLTTDS hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác.

Thiết nghĩ việc các đương sự trong vụ án hành chính và vụ, việc dân sự nói chung nhận thức đúng, đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình đối với việc giao nộp tài liệu, chứng cứ trong vụ án cho Tòa án và nhất là việc Kiểm sát viên nắm rõ và xác định đúng, đầy đủ các nội dung cơ bản, chủ yếu như đã phân tích ở trên mà Luật tố tụng hành chính và Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định về nội dung này sẽ giúp cho việc kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ,việc dân sự của Tòa án được chặt chẽ, hạn chế được những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, dẫn đến vụ án bị hủy mà có trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Ngọc Thuận - Phòng 10 VKSND tỉnh Khánh Hòa

Thông báo

Liên kết website

Thông kê truy cập