Tại bản kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 79/KL-HĐĐGTS ngày 13/9/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng thị xã Ninh Hòa kết luận: 01 két sắt hiệu Hòa Phát, kích thước 70x 47x35 cm có giá trị 3.125.000 đồng. Tổng giá trị tài sản trộm cắp là 103.000.000 đồng, giá trị tài sản bị hủy hoại là 3.125.000 đồng.
Quá trình điều tra xác định Thân Văn C nhiều lần rủ Lê C thực hiện các vụ trộm cắp tài sản, cụ thể như sau:
Vụ 1: Khoảng 01 giờ ngày 11/5/2021, Lê C điều khiển xe mô tô chở Thân Văn C đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chánh Hằng (ở Phước Đa 1, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) dùng xà beng cạy phá két sắt, lấy được số tiền 14.000.000 đồng và một đầu thu Camera.
Tại bản kết luận định giá tài sản số: 79/KL – HĐĐG ngày 13/9/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng thị xã Ninh Hòa kết luận: 01 đầu ghi 16 cổng Hik Vision DS – 7216HGHI – K1 có giá trị 2.303.200 đồng; 01 két sắt hiệu Hòa Phát, kích thước 67 x 48 x 50 cm có giá trị 1.250.000 đồng. Tổng giá trị tài sản trộm cắp là 16.303.200 đồng, giá trị tài sản bị hủy hoại là 1.250.000 đồng.
Vụ 2: Khoảng 02 giờ ngày 17/5/2021, Lê C điều khiển xe mô tô chở Thân Văn C đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Seyoung – Hòa Hiệp (thuộc Khu công nghiệp Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) dùng xà beng mang theo cạy phá két sắt lấy được số tiền 55.000.000 đồng.
Tại bản kết luận định giá tài sản số 79/KL – HĐĐG ngày 13/9/2021của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng thị xã Ninh Hòa kết luận: 01 két sắt hiệu Hòa Phát, kích thước 43 x 47 x 50 cm có giá trị 4.375.000 đồng. Tổng giá trị tài sản trộm cắp là 55.000.000 đồng, giá trị tài sản bị hủy hoại là 4.375.000 đồng.
Vụ 3: Khoảng 02 giờ ngày 19/5/2021, Lê C điều khiển xe mô tô chở Thân Văn C đến Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Vân Phong (thuộc Khu công nghiệp phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa). Lê C đứng bên ngoài đợi, Thân Văn C đột nhập vào bên trong Công ty lấy trộm của ông Vũ Ngọc S một ví da, bên trong có 500.000 đồng, 01 chứng minh nhân dân, 02 giấy phép lái xe. Sau đó, Thân Văn C gọi Lê C vào phụ khiêng két sắt ra bên ngoài tường rào và cạy phá két để lấy tài sản nhưng không có nên cả hai đi về, số tiền trộm cắp được, Thân Văn C trả tiền thuê xe và nhà nghỉ, ví và giấy tờ C vứt bỏ.
Tại bản kết luận định giá tài sản số 79/KL – HĐĐG ngày 13/9/2021 và số 124 ngày 21/12/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng thị xã Ninh Hòa kết luận: 01 két sắt hiệu Trần Phúc, kích thước 50 x 63 x 40 cm có giá trị 400.000 đồng, 01 ví da có giá trị 800.000 đồng. Tổng giá trị tài sản trộm cắp là 1.700.000 đồng.
Vụ 4: Khoảng 05 giờ ngày 19/5/2021, Lê C chở Thân Văn C đến nhà máy xay xát Tuấn (thuộc thôn Ngọc Sơn, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa), Thân Văn C dùng xà beng cạy phá két sắt lấy số tiền 107.700.000 đồng, 01 sợi dây chuyền vàng, 01 chiếc nhẫn vàng và 35 tờ tiền mệnh giá 02 đô la Mỹ. Sau khi lấy được tài sản.
Tại bản kết luận định giá tài sản số: 79/KL – HĐĐG ngày 13/9/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng thị xã Ninh Hòa kết luận: 01 nhẫn vàng SJC loại 24K trọng lượng 01 chỉ có giá trị 5.608.000 đồng, 01 sợi dây chuyền có hình cây thánh giá, trọng lượng 1,1 lượng, loại vàng 18K, có giá trị 41.493.466 đồng, 01 két sắt hiệu Tân Lợi Phát, kích thước 62 x 80 x 46 cm có giá trị 1.562.500 đồng, 35 tờ tiền đô la mỹ, loại mệnh giá 02 đô la Mỹ có giá trị 1.620.570 đồng. Tổng giá trị tài sản trộm cắp là 156.422.036 đồng, giá trị tài sản bị hủy hoại là 1.562.500 đồng.
Quan điểm thứ nhất: Hành vi hủy hoại tài sản và trộm cắp tài sản
Khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng…..thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Xét về mặt chủ quan: Trong tình huống này Thân Văn C và Lê C nhận thức rõ hành vi của mình sẽ làm hư hỏng tài sản nhưng cả hai vẫn cố ý phá hủy các két sắt để trộm cắp tài sản bên trong, tổng giá trị tài sản trộm cắp là 349.994.236 đồng. Không thể cho rằng Thân Văn C và Lê C không có mục đích phá két sắt, đối với tội này thì cho dù phá hủy tài sản của người khác vì bất cứ mục đích gì (mâu thuẫn cá nhân, để thực hiện tội phạm khác, phá chơi không có mục đích…) nhưng là cố ý và hành vi là độc lập thì đều phạm tội nếu đủ yếu tố về mặt chủ thể và hậu quả xảy ra.
Xét hành vi khách quan: Thực tế Thân Văn C và Lê C đã có hành vi cố ý làm hư hỏng các két sắt, hậu quả gây ra là làm cho tài sản bị hủy hoại với tổng giá trị thiệt hại là 10.712.500 đồng. Trong trường hợp này Thân Văn C và Lê C phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a Khoản 3 Điều 173 và tội “Hủy hoại tài sản” theo Khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Quan điểm thứ 2: Hành vi trộm cắp tài sản
Thân Văn C và Lê C nhận thức rõ là trong các két sắt có tài sản có giá trị, mặc dù không biết có bao nhiêu nhưng Thân Văn C và Lê C đã lén lút cạy phá két sắt với mục đích là trộm cắp tài sản bên trong. Thực tế bên trong các két sắt có tổng giá trị tài sản là 349.994.236 đồng. Do vậy, hành vi của Thân Văn C và Lê C chỉ phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Đối với giá trị két sắt bị hủy hoại thì Thân Văn C và Lê C phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị hại theo quy định pháp luật.
Tác giả bài viết thống nhất với quan điểm 1 về hướng giải quyết vụ án, còn bạn thì sao?
Ánh Dương - Phòng 7
Sau khi nghiên cứu, tôi có một số ý kiến trao đổi cùng tác giả và bạn đọc: Trong tình huống mà tác giả đưa ra, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, cụ thể: Xét hành vi khách quan: Thực tế Thân Văn C và Lê C đã có hành vi cố ý làm hư hỏng các két sắt, hậu quả gây ra là làm cho tài sản bị hủy hoại với tổng giá trị thiệt hại là 10.712.500đ. Trong trường hợp này Thân Văn C và Lê C đã phạm tội Trộm cắp tài sản quy định tại Điểm a Khoản 3 điều 173 BLHS và tội Hủy hoại tài sản theo Khoản 1 Điều 178 BLHS.
Quan điểm của tôi dựa trên cơ sở sau:
Mặc dù mục đích của Thân Văn C và Lê C là trộm cắp tài sản, nhưng muốn lấy được tài sản thì phải cạy phá két sắt. Tuy 02 đối tượng không có mục đích chính nhằm vào hủy hoại tài sản, nhưng hành vi khách quan cố ý phá két sắt, buộc 02 đối tượng phải nhận thức rõ được tác động cơ học của mình sẽ làm phá hủy két sắt, đây chính là hành vi khách quan của tội hủy hoại tài sản. Tội Trộm cắp tài sản và tội Hủy hoại tài sản là hai tội độc lập, được quy định tại hai điều luật khác nhau. Hậu quả là yếu tố bắt buộc đối với cả 02 tội đều đã đáp ứng. Thân Văn C và Lê C đã phạm cả hai tội là tội Trộm cắp tài sản và tội Hủy hoại tài sản.
Tại văn bản Hướng dẫn nghiệp vụ số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC có nội dung hướng dẫn:
- Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn.
- Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thưc hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
Mặc dù đây chỉ là văn bản trao đổi nghiệp vụ, nhưng mang tính định hướng và là cơ sở để Tòa án giải quyết trong việc xác định tội danh đối với trường hợp hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm của nhiều tội.
Đồng thời, cũng có thế thấy rằng, nếu theo quan điểm thứ 2, 02 đối tượng chỉ phạm tội Trộm cắp tài sản mà không phạm tội Hủy hoại tài sản. Nếu trong trường hợp các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhưng không có tiền án, tiền sư về hành vi chiếm đoạt tài sản và số tiền trộm cắp chưa đủ 2.000.0000đ. Vậy có xử lý 02 đối tượng về tội Hủy hoại tài sản hay không? Thực tế, vẫn phải bị xử lý về tội Hủy hoại tài sản.
Dương Cảnh - Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn