Một là, tích cực tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp nói chung và quan hệ giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra theo đúng tinh thần Chỉ thị 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc”. Khi có khó khăn, vướng mắc về đường lối xử lý đối với các tin báo có tính chất nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến kinh tế, tham nhũng, chức vụ hoặc những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, ảnh hưởng đến tình hình chính trị tại địa phương…, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp để thống nhất giải quyết.
Hai là, tăng cường sự phối hợp thông qua việc tổ chức ký các Quy chế phối hợp, là cơ sở tăng cường phối hợp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan ban ngành trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Chủ động trao đổi với Cơ quan điều tra về những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình phối hợp giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên định kỳ chú trọng việc sơ kết Quy chế phối hợp đã ký kết để kịp thời bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới Quy chế cho phù hợp. Đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện ký kết Quy chế phối hợp với Cơ quan điều tra phải lồng ghép nội dung hoặc ký kết Quy chế riêng về công tác phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã. Đồng thời thường xuyên chủ động tăng cường công tác phối hợp với Cơ quan điều tra hướng dẫn các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm mà Công an cấp xã được thực hiện trong từng trường hợp cụ thể, thời hạn thực hiện và trách nhiệm thông báo, phối hợp của Công an cấp xã. Đảm bảo các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã tuân thủ đúng các quy định của Pháp luật, thực sự có hiệu quả.
Ba là, Lãnh đạo hai cấp ngành Kiểm sát và Cơ quan điều tra Khánh Hòa luôn quan tâm nâng cao nhận thức cho cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ điều tra về vị trí, vai trò của công tác phối hợp với các cơ quan, các ngành nói chung và quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm nói riêng để Kiểm sát viên, Điều tra viên xác định trách nhiệm cụ thể của mình trong việc phối hợp; đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Thông tư liên tịch số 01/2021 ngày 29/11/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01/2017.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trong quá trình kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; ngay khi được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Điều tra viên phối hợp cùng Kiểm sát viên đánh giá về nội dung vụ việc và có những định hướng kiểm tra, xác minh ban đầu; trong quá trình kiểm tra, xác minh thường xuyên trao đổi và thống nhất hướng điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ. Trước khi dự kiến kết thúc việc giải quyết, Kiểm sát viên phối hợp cùng Điều tra viên đánh giá chứng cứ một lần nữa để kịp thời bổ sung những thiếu sót, đảm bảo hồ sơ đầy đủ các chứng cứ chứng minh việc có tội hay không có tội, quan điểm giải quyết như thế nào để báo cáo lãnh đạo hai cơ quan đường lối giải quyết vụ việc được chính xác, đúng pháp luật. Cán bộ, kiểm sát viên được phân công làm đầu mối, hàng tuần phối hợp với Cơ quan điều tra để chủ động nắm tố giác, tin báo về tội phạm và rà soát kết quả giải quyết. Hàng tháng đối chiếu tình hình thụ lý, giải quyết, tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để kịp thời phát hiện, khắc phục các vi phạm về thời hạn. Quá trình giải quyết nếu có khó khăn, vướng mắc thì Điều tra viên và Kiểm sát viên kịp thời báo cáo Lãnh đạo Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát để trao đổi, họp bàn thống nhất hướng, biện pháp giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Năm là, nâng cao tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Ngay từ khi được phân công, Kiểm sát viên phải xác định rõ quan hệ giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên là quan hệ phối hợp, cùng chung nhiệm vụ, đó là: Làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, Kiểm sát viên phải thường xuyên phối hợp, trao đổi những nội dung cần tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ với Điều tra viên; qua đó định hướng điều tra những vấn đề cần làm sáng tỏ, những chứng cứ cần thu thập, những vướng mắc trong suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, Kiểm sát viên phải chú trọng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật và Chỉ thị số 06/CT-VKSNDTC ngày 06/12/2013 và Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao về Tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc cần phải kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện để xin ý kiến chỉ đạo. Chủ động nghiên cứu hồ sơ, đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh đầy đủ, chính xác để Cơ quan điều tra và Điều tra viên thực hiện. Trong quá trình giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên để cùng thực hiện các yêu cầu kiểm tra, xác minh. Quá trình kiểm sát việc giải quyết phát hiện có vi phạm, đã trao đổi mà Cơ quan điều tra không thống nhất hoặc không thực hiện thì tham mưu Lãnh đạo ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm, hoặc kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật với các cơ quan hữu quan; đối với các quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ thì kiên quyết hủy bỏ và yêu cầu Cơ quan điều tra tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, xác minh để kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo đúng quy định pháp luật.