Những điểm mới cơ bản của Nghị định 133/2020/NĐ-CP; công tác kiểm sát cần chú ý:
-Về căn cứ ban hành Nghị định của Chính phủ: Nghị định 117-2011/NĐ-CP chỉ căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001và căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010 để ban hành Nghị định. Đối với Nghị định 133/2020/NĐ-CP căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ; luật thi hành án hình sự năm 2019; Bộ luật Lao động; luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật giáo dục nghề nghiệp và tham chiếu các Luật có liên quan như Luật Bảo hiểm Y tế; Luật người cao tuổi; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Trẻ em; Luật Thanh niên; Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp của phạm nhân…
-Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan, tổ chức cá nhân và gia đình tham gia giáo dục cải tạo phạm nhân như: UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã và trách nhiệm của các Cơ quan, tổ chức, các nhân như: Các cơ sở giam giữ phạm nhân; Cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao; Sở Tư pháp; Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội; Sở Y tế; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Cơ quan quản lý Thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an và thuộc Bộ Quốc phòng….. và trách nhiệm của gia đình phạm nhân. Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với phạm nhân là người nước ngoài; đối với học sinh chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường Giáo dưỡng. Đồng thời, Nghị định cũng quy định về thi hành Quyết định tiếp nhận; Quyết định chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù…
-Về tiêu chuẩn, định lượng trong chế độ mỗi tháng của phạm nhân được tăng thêm so với quy định tại Nghị định 117/2011 như: cá tăng 0,2kg; thịt lợn tăng 0,3kg; bàn chải tăng 01chiếc/năm; tăng 0,6kg xà phòng/năm; 01 màn/03năm trước là 04năm; tiền thuốc chữa bệnh thông thường trước là tương đương 02kg gạo tẻ/phạm nhân/tháng nay tương đương 03kg gạo tẻ/phạm nhân/tháng ;dầu ăn 0,2lít; gia vị khác tương đương 0,5kg gạo tẻ; 800ml dầu gội /năm trong đó dầu ăn; gia vị khác và dầu gội thì mới được quy định bổ sung trong Nghị định 133/2020/NĐ-CP. Đối với phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại...trước đây được phép ăn thêm cao hơn định lượng bình thường là 15%; Nay, Nghị định 133 quy định phạm nhân lao động thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại… theo quy định được ăn thêm không quá 02 lần định lượng ăn ngày thường.
Ngoài tiêu chuẩn ăn, định lượng ăn theo quy định chung thì phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không được quá 03 lần định lượng ăn trong 01 tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căntin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ. Điểm mới ở đây là quy định thông qua hệ thống lưu ký và căn tin để phục vụ chứ phạm nhân không được phép tự quản lý và sử dụng quà…tương tự đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi cũng được Nghị định 133/2020 quy định một số chế độ mới so với Nghị định 117/2011. Đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế, được ăn theo chế độ đối với trẻ em dưới 04 tuổi tại cơ sở Bảo trợ xã hội, được chăm sóc y tế, khám chữa bệnh theo quy định của Luật trẻ em và Luật Bảo hiểm Y tế. Trường hợp trẻ em là con của phạm nhân đang ở chung với phạm nhân trong cơ sở giam giữ bị bệnh nặng , vượt quá khả năng điều trị của Bệnh xá của cơ sở giam giữ thì làm thủ tục để chuyển đến cơ sở y tế của Nhà nước điều trị. Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định việc trích xuất và áp giải phạm nhân là mẹ của trẻ đi cùng để chăm sóc… Chế độ chăm sóc y tế về tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho phạm nhân nói chung được cấp tương đương 03kg gạo tẻ/phạm nhân/tháng tăng thêm 01kg so với quy định tại Nghị định 117.
-Về điều kiện, tiêu chuẩn xếp loại chấp hành án phạt tù theo Nghị định 133 của Chính phủ quy định chi tiết các tiêu chí để đánh giá, xếp loại đối với phạm nhân. Chúng ta cần chú ý quy định tích cực khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền(nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải thực hiện xong các nghĩa vụ đó…mới được xem là tích cực khắc phục hậu quả; trừ các quy định khác như đã được tạm giữ tiền, tài sản cao hơn nghĩa vụ phải thực hiện hoặc có căn cứ cho rằng người bị hại đồng ý xóa nợ hoặc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng đến kỳ xếp loại được UBND cấp xã hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý xác nhận đã thực hiện xong trong kỳ thì cũng được xem là tích cực khắc phục hậu quả…
-Về xử lý phạm nhân vi phạm có nhiều điểm mới và chi tiết được quy định tại Điều 20 Nghị định 133/CP. Đáng lưu ý, Nghị định 133/CP quy định 05 tình tiết giảm nhẹ tại Điều 21và 05 tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 22 nhằm quy định chi tiết việc kỷ luật đối với phạm nhân phải xem xét một cách toàn diện để đánh giá làm rõ tính chất, mức độ, hậu quả, động cơ, mục đích, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình thức kỷ luật; mức độ ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, quyết tâm sửa chữa vi phạm, khắc phục hậu quả để xem xét áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp. Trường hợp phát hiện Quyết định xử lý kỷ luật không đúng các quy định thì phải hủy bỏ hoặc thay đổi Quyết định kỷ luật cho phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm…
Ngoài ra, Nghị định 133/CP còn quy định về chế độ chính sách đối với phạm nhân là người nước ngoài được hưởng các chế độ như phạm nhân là người Việt Nam và còn được nghỉ thêm 01 ngày Quốc Khánh; 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc của nước mà phạm nhân mang Quốc tịch.
Bên cạnh đó, Nghị định 133/CP xây dựng một mục riêng quy định chi tiết các chế độ đối với học sinh chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại Trường Giáo dưỡng.
Với những điểm mới cơ bản của Nghị định 133/2020/NĐ-CP ngày 09-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù cũng như học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại Trường Giáo dưỡng, để bảo đảm tốt hơn quyền công dân, quyền con người.