Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Những qui định mới của pháp luật và những vấn đề cần lưu ý nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác THQCT và KSXXHS

Những qui định mới của Pháp luật ở đây, chủ yếu là các chế định mới được qui định trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

          Đối với Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 có 26 chương với 426 điều luật được chia làm 3 phần có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/7/2016 (đã lùi thời gian).

Theo tinh thần Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội thì các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 01/7/2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

Các tội phạm mới quy định tại các Điều 147, 154, 167, 187, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 292, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 của Bộ luật hình sự năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 00 giờ ngày 1/7/2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước ngày 1/7/2016 để giải quyết.

Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn” đã được áp dụng để khởi tố bị can trước ngày 1/7/2016 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Đối với hành vi mà BLHS năm 2015 bãi bỏ (các Điều 83, 149, 159, 165 của BLHS năm 1999) xảy ra trước ngày 1/7/2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án, thì không được căn cứ vào việc BLHS năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đang ký kết hôn trái pháp luật, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về các tội danh trên hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước ngày 1/7/2016 để giải quyết; nếu sau ngày 1/7/2016 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội danh này (Điều 83, 149, 159, 165 của BLHS năm 1999) mà áp dụng quy định của BLHS năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng.

Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật trước ngày 1/7/2016, thì không được căn cứ vào những quy định của BLHS năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trong trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 1/7/2016, thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109.

Các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của BLHS năm 2015 không áp dụng đối với những hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại xảy ra trước ngày 1/7/2016.

Kể từ ngày BLHS năm 2015 được công bố không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

- Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt từ hành thành hình phạt tù chung thân;

-  Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS năm 2015 thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

-  Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tố chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính… Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành hình phạt còn lại, trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

-  Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và các điểm b, c khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015; nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Các vấn đề cụ thể:

- Đối với Điều 14 BLHS năm 2015 quy định về chuẩn bị phạm tội. Trong đó có liệt kê các tội phạm cụ thể, Viện kiểm sát các cấp cần so sánh, áp dụng về sự khác nhau giữa BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, nhất là với các trường hợp người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

- Tại Điều 18 BLHS năm 2015 về che giấu tội phạm có điểm khác với quy định tại Điều 21 BLHS năm 1999. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 BLHS năm 2015. Những người thuộc trường hợp này sẽ không bị coi là tội phạm theo BLHS mới.

- Tại Điều 19 BLHS năm 2015 về không tố giác tội phạm có điểm khác với quy định tại Điều 22 BLHS năm 1999. BLHS mới quy định: Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợ không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS năm 2015. Những người thuộc trường hợp này sẽ không bị coi là tội phạm theo BLHS mới.

- Đối với các quy định tại các điểm a khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015. Do sự thay đổi chính sách pháp luật, chuyển biến tình hình thì các VKS các cấp cần đối chiếu giữa BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 và Nghị quyết 109 đồng thời rà soát, lên danh sách và xem xét áp dụng theo đúng tinh thần của BLHS năm 2015 và Nghị quyết 109 của Quốc hội.

- Tại điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định: Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đây là tình tiết mới của BLHS năm 2015, các trường hợp này được áp dụng và được coi là tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 hiện nay.

- Tại Điều 54 BLHS năm 2015 quy định về Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, BLHS năm 2015 mới bổ sung khoản 2 Điều này, đây là điểm mới so với Điều 47 BLHS năm 1999: Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Theo tinh thần Nghị quyết 109 thì quy định này sẽ được áp dụng ngay trong các vụ án cụ thể.

- Tại Điều 62 BLHS năm 2015 về miễn chấp hành hình phạt có điểm khác với quy định tại Điều 57 BLHS năm 1999. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định rõ ràng và cụ thể hơn về các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt nên khi áp dụng vào các vụ án cụ thể nếu quy định của BLHS nào có lợi hơn cho người phạm tội thì sẽ được áp dụng (theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội).

- Tại Điều 69 BLHS năm 2015 về xóa án tích có điểm khác với quy định tại Điều 63 BLHS năm 1999. BLHS năm 2015 quy định: Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. Đây là điểm mới có lợi cho người phạm tội cần được áp dụng ngay. Tuy nhiên Bộ luật mới không quy định người phạm tội được cấp giấy chứng nhận như BLHHS cũ. Do vậy, để đảm bảo quyền của các bị cáo thì quy định này vẫn có hiệu lực đến trước ngày 1/7/2016.

- Tại Điều 100 BLHS năm 2015 về hình phạt cải tạo không giam giữ với người chưa thành niên có điểm khác với quy định tại Điều 73 BLHS năm 1999. Bộ luật mới quy định áp dụng hình phạt này cụ thể hơn và nhẹ hơn với từng độ tuổi của người chưa thành niên. Do vậy, khi áp dụng vào các điều luật cụ thể theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì phải áp dụng các quy định mới trong BLHS năm 2015 về mức án nhẹ hơn đối với người chưa thành niên theo từng lứa tuổi.

-  Tại Điều 102 BLHS năm 2015 về Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt với người dưới 18 tuổi phạm tội là quy định mới so với BLHS năm 1999. Tỏng đó quy định việc áp dụng hình phạt với từng lứa tuổi. Với nguyên tắc có lợi cho người phạm tội theo tinh thần Nghị quyết 109 của Quốc hội thì phải áp dụng các quy định mới trong BLHS năm 2015 về mức án nhẹ hơn đối với người chưa thành niên theo từng lứa tuổi đối với từng vụ án cụ thể.

-  Tại Điều 103 BLHS năm 2015 về Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tối với người dưới 18 tuổi phạm tội có điểm khác với quy định tại Điều 75 BLHS năm 1999. Bộ luật mới quy định áp dụng hình phạt này cụ thể hơn và nhẹ hơn với từng độ tuổi của người dưới 18 tuổi. Theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì phải áp dụng các quy định mới trong BLHS năm 2015 về mức án nhẹ hơn đối với người dưới 18 tuổi theo từng lứa tuổi khi áp dụng vào các điều luật cụ thể.

-  Tại Điều 107 BLHS năm 2015 về Xóa án tích với người dưới 18 tuổi phạm tội có điểm khác với quy định tại Điều 77 BLHS năm 1999. Bộ luật mới quy định việc xóa án tích cụ thể ơn và nhẹ hơn với từng độ tuổi của người dưới 18 tuổi. Theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì phải áp dụng các quy định mới trong BLHS năm 2015 về mức án nhẹ hơn đối với người 18 tuổi phạm tội theo từng lứa tuổi khi áp dụng vào các điều luật cụ thể.

- Tại điểm e, g khoản 2 Điều 142 BLHS năm 2015 về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi có điểm giống và khác với quy định tại điểm c, d khoản 3 Điều 112 BLHS năm 1999. Bộ luật mới quy định áp dụng tình tiết phạm tội từ 2 lần trở lên hoặc phạm tội đối với 02 người trở lên có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm. BLHS năm 1999 cũng quy định tình tiết phạm tội nhiều lần (cũng từ 2 lần trở lên) hoặc phạm tội đối với nhiều người (cũng là từ 02 người trở lên). Tuy nhiên khung hình phạt bắt đầu từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Với nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì việc áp dụng khung hình phạt theo BLHS năm 2015 mức án từ 12 năm đến 20 năm sẽ được áp dụng ngay với những người thực hiện hành vi này.

-  Tại khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015 về tội Đánh bạc quy định mức tiền khởi điểm để truy cứu TNHS với tội danh này là 5.000.000 đồng. VKS các cấp cần rà soát các trường hợp đánh bạc nhưng số tiền thu được có giá trị dưới 5.000.000 đồng mà không có tiền án, tiền sự về tội danh này hoặc có nhưng đã được xóa án tích thì cần chuyển sang hình thức xử phạt hành chính, miễn truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 25 BLHS năm 1999 và tinh thần điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109 của Quốc hội (trước ngày 1/7/2016) hoặc theo điểm a khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 (sau ngày 1/7/2016).

Những vấn đề cần lưu ý nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác THQCT và KSXXHS

Khi KSĐT, KSXX các vụ án HS,(kể cả KS Thi hành án hình sự) cần nắm vững những qui định mới trong Luật HS và Luật TTHS, phải có sự so sánh các chế định trong Luật HS 1999 và Luật TTHS 2003 với Luật HS và TTHS 2015 để áp dụng đúng, đầy đủ và đảm bảo áp dụng đúng các qui định có lợi cho bị can, bị cáo; tránh việc bắt, tạm giam, truy tố, xét xử ( Thi hành án) gây bất lợi cho họ; nhất là các chế định về tội phạm chưa thành niên, bãi bỏ một tội, các chế định mới, chế định được sửa đổi… Để làm được điều đó, cần lưu ý những vấn đề sau:

- Thứ nhất là quán triệt và cụ thể hóa Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật HS và Luật TTHS 2015:

Để Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật HS, Luật TTHS 2015 đi vào thực tiễn cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện, cần quán triệt kỹ lưỡng, chuyên sâu đến từng cán bộ, KTV, KSV trong ngành để nắm vững các qui định, nhất là các chế định mới của Luật . Tiếp tục cụ thể hóa các quy định về công tác THQCT và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị  khởi tố; THQCT, KSĐT, truy tố, xét xử vào Luật tố tụng hình sự cũng như các Qui chế công tác kiểm sát thuộc lĩnh vực liên quan phù hợp với chức năng, thẩm quyền của từng cấp kiểm sát. Bên cạnh đó cũng cần nắm chắc và thực hiện đúng các hướng dẫn tại NQ 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS số 100/2015/QH13, Bộ luật TTHS số 101/2015/QH13; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS 2015. Hướng dẫn số 5003/VKSTC-V14 ngày 2/12/2016 của VKSNDTC hướng dẫn áp dụng các qui định có lợi cho người phạm tội trong BLHS năm 2015 và các qui định của BLTTHS năm 2015 để thi hành các qui định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015; và đặc biệt là Công văn 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án NDTC hướng dẫn áp dụng một số qui định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015…

-Thứ hai là thường xuyên nâng cao trình độ năng lực cán bộ

Với cán bộ tư pháp nói chung và những người tiến hành tố tụng trong Ngành kiểm sát nói riêng, việc bổ sung kiến thức PL của mình là điều cực kỳ quan trọng nhất là tri thức về đời sống xã hội. Mặc dù Hiến pháp 2013 không nói đến “Pháp chế”, nhưng phải hiểu đó là tình trạng chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh và thống nhất. Để làm được điều đó, cần nâng cao trình độ năng lực của cán bộ, kiểm sát viên trong ngành một cách hệ thống và đồng nhất, tương xứng với trình độ, năng lực của cán bộ các ngành liên quan trong quá trình tham gia tố tụng. Hoạt động tư pháp là sự tác động trực tiếp vào những quan hệ của con người. Sự công bằng là đòi hỏi đầu tiên trong các quyết định tư pháp. Muốn vậy, cán bộ, KSV phải luôn tự trau dồi cho mình về năng lực hành động, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử ở cả hai khâu sơ và phúc thẩm án hình sự. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới. Vấn đề nhân quyền được coi trọng và nâng lên ở tầm cao mới; tránh các vụ oan sai như vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận…; nâng cao được vai trò, uy tín, vị thế của các cơ quan tư pháp nói chung và ngành VKSND nói riêng. Nước ta đang tiến hành cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08, 49 của Bộ Chính trị và chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đòi hỏi đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong ngành kiểm sát cả nước cũng như kiểm sát tỉnh Khánh Hòa phải có tư duy, trình độ để vượt qua những thách thức cả về nhận thức lẫn hành động thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác kiểm sát của toàn Ngành theo yêu cầu đặt ra.

Do đó, để không ngừng nâng cao năng lực trình độ, nâng cao nhận thức áp dụng pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành là một vấn đề hết sức cần thiết, cấp bách. Thực tế cho thấy có nhiều vụ án do cấp sơ thẩm nhận thức chưa đầy đủ những quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến việc truy tố, xét xử chưa phản ánh được đầy đủ về tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội và người thực hiện tội phạm nên dẫn đến nhiều vụ án đã bị cấp phúc thẩm cấp tỉnh hủy án để điều tra, truy tố và xét xử lại theo thủ tục chung làm cho việc giải quyết vụ án kéo dài, tạo dư luận xã hội không tốt cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Để khắc phục và nâng cao trình độ, năng lực cũng như tổng kết rút kinh nghiệm chung trong việc thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử của KSV thông qua từng vụ án và tại các phiên tòa sơ, phúc thẩm theo yêu cầu cải cách tư pháp để nhằm nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố đòi hỏi cán bộ, KSV cần nghiên cứu và thực hiện tốt các quy định của BLHS, BLTTHS và các hướng dẫn của liên ngành Trung ương. Việc nắm vững cấu thành tội phạm, dấu hiệu pháp lý đặc trưng và các thao tác nghiệp vụ điều tra, kiểm sát điều tra của các vụ án cụ thể vẫn là vấn đề cơ bản đặt ra cho mỗi KSV phải nghiêm túc nghiên cứu, thực hiện.

Từng cán bộ, KSV trong Ngành kiểm sát phải tự tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh cho mình. Mỗi cán bộ, KSV phải tự nghiên cứu, học hỏi trong thực tiễn và từ đồng nghiệp. Đọc kỹ, đọc hết cái đã có, cái đã tổng kết, cái đã rút kinh nghiệm, đã hướng dẫn để hiểu cho đúng và làm cho đúng. Từng đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố và các Phòng nghiệp vụ VKS tỉnh cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ, KSV nhất là đối với cán bộ trẻ, công tác ở bộ phận có tính chất nhạy cảm để từng cán bộ, KSV nắm bắt và thực hiện công việc của nhiều khâu công tác kiểm sát tránh để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, biết một việc, thụ động ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành trên từng lĩnh vực công tác kiểm sát. Cũng cần chú ý đến một số bộ phận làm công tác mang tính chuyên sâu để bồi dưỡng, bổ sung kiến thức mới, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ của ngành và bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Coi trọng công tác kiểm sát bản án để tăng cường phát hiện sai sót, tích lũy vi phạm để kiến nghị, kháng nghị kịp thời, nâng cao vao trò của VKS trong thực hành QCT và KSXX HS.

- Thứ ba là đào tạo chuyên môn nghiệp vụ

 Đề nghị các Trường đào tạo nghiệp vụ và Vụ nghiệp vụ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu cho Kiểm sát viên về kỹ năng xây dựng cáo trạng, luận tội và  chiến thuật xét hỏi và kỹ năng tranh tụng tại các phiên toà; trong tranh tụng với Luật sư, người bào chữa… nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử và nâng cao khả năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa. Các Viện địa phương cần quan tâm đến công tác tự đào tạo, các đồng chí nhiều kinh nghiệm kèm cặp các đồng chí mới bổ nhiệm; tăng cường tổ chức thảo luận theo chuyên đề, góp ý phiên tòa rút kinh nghiệm hay phiên tòa lưu động để nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng, tác phong của KSV khi thực hiện nhiệm vụ được phân công.

-Thứ tư là nâng cao chất lượng phiên tòa rút kinh nghiệm

Thường xuyên nghiên cứu, học tập để nắm vững các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật có liên quan nhằm vận dụng đúng đắn, chính xác khi giải quyết vụ án và tham gia tranh luận. Phải thường xuyên rèn luyện để nâng cao kỹ năng tranh luận, đối đáp: Đó là kỹ năng phân tích đánh giá chứng cứ, phương pháp lập luận, phong cách và khả năng diễn đạt. TiÕp tôc phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm. Đây là một giải pháp hữu hiệu để tự đào tạo, tự bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, nhằm thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Qua các phiên tòa rút kinh nghiệm góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo và của cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát về việc yêu cầu nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự mà trọng tâm là “Nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa”. Kịp thời báo cáo Lãnh đạo xem xét, quyết định những trường hợp có phát sinh tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án. Không để xảy ra các vụ án bị hủy, cải sửa do lỗi chủ quan của VKS.

Tăng cường công tác kiểm sát xét xử đối với Tòa án, thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch và Quy chế phối hợp giữa các ngành về trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, kiểm sát chặt chẽ bản án, Quyết định.

Thứ năm là tăng cường công tác quản lý chỉ đạo điều hành

Để nâng cao hơn nữa công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử  án hình sự, cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết án  hình sự. Lãnh đạo đơn vị cần nắm chắc tiến độ giải quyết án và có sự chỉ đạo sát sao kịp thời. Khi duyệt án phải nghe kỹ, nghe sâu, xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ cùng những vấn đề ý kiến còn khác nhau. Đối với những trường hợp chứng cứ còn thiếu, yếu hoặc chưa vững chắc thì phải kiên quyết yêu cầu điều tra  bổ sung. Trong trường hợp cần thiết phải xin ý kiến của Lãnh đạo hoặc UBKS-VKS tỉnh thì kịp thời có văn bản kèm theo hồ sơ vụ án báo cáo xin thỉnh thị khi gặp những khó khăn về đường lối xử lý, về áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ, tội danh để tập trung giải quyết dứt điểm vụ án.

Việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có thông báo rút kinh nghiệm các vụ án hủy có vi phạm trong hoạt động điều tra, xét xử cũng là vấn đề cần thiết cần được tiến hành thường xuyên đối với từng vụ án cụ thể. Thông qua đó giúp cho KSV cũng như Lãnh đạo các đơn vị trong ngành kiểm sát Khánh Hòa thấy được những vi phạm, thiếu sót, sơ suất trong quá trình giải quyết án và có những biện pháp khắc phục. Điều này đòi hỏi KSV được phân công KSXX trước, trong và sau phiên tòa sơ thẩm phải thực hiện đúng, đầy đủ được chức năng kiểm sát việc xét xử đối với HĐXX, việc nghị án, tuyên án và bút ký phiên tòa phải được thao tác, thực hiện đúng theo quy định của Ngành, làm tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định của  hai cấp, đặc biệt ở cấp sơ thẩm để kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật báo cáo Lãnh đạo Viện kháng nghị, kiến nghị khi thấy cần thiết; có như vậy mới thể hiện được bản lĩnh công tố, nâng cao vai trò, vị thế của ngành trong tình hình hiện nay và phù hợp với định hướng cải cách tư pháp.

N.N.T - Phòng 7

Liên kết website

Thông kê truy cập