Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Suy diễn, không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự và quyết định sai lầm cần được loại bỏ khi giải quyết vụ án hình sự

Nguyên tắc của luật tố tụng hình sự được hiểu là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo toàn bộ quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật tố tụng hình sự. Thuật ngữ "suy đoán" được hiểu là coi vấn đề, hiện tượng nào đó là đúng đắn cho đến khi chưa có lý do bác bỏ vấn đề, hiện tượng đó.

Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự của Liên hợp quốc năm 1966 đều có quy định: “Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào chữa của người đó”.

Nguyên tắc suy đoán vô tội” đã được pháp điển hóa, là một trong những nguyên tắc cơ bản, quan trọng, tiến bộ được qui định tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; nó song hành, ràng buộc và cùng các nguyên tắc khác như đảm bảo pháp chế XHCN, bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật; bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của cá nhân; xác định sự thật của vụ án…nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

Nguyên tắc suy đoán vô tội thể hiện ở 03 nội dung, chỉ xin nêu 2 nội dung quan trọng nhất để loại bỏ cách duy diễn duy ý chí, dễ mắc sai lầm khi áp dụng pháp luật Hình sự và Tố tụng hình sự khi giải quyết vụ án hình sự:

 

Nội dung 1: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án  có hiệu lực pháp luật.

 

Nội dung 2: Người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại Điều 10 BLTTHS quy định về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án như sau: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Thực chất, quy định này không thuộc nội dung nguyên tắc xác định sự thật của vụ án mà thuộc về nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Bởi vì, cùng với việc khẳng định một người không thể bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì cũng có nghĩa thừa nhận người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình. Để xác định một người là người phạm tội, trên cơ sở đó tiến hành truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người đó, các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) phải chứng minh được người đó là người thực hiện hành vi bị luật hình sự coi là tội phạm. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó. Trên thực tế, có thể một người đã thực hiện tội phạm. Về khách quan, họ là người phạm tội, nhưng nếu không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi được luật hình sự coi là tội phạm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người đó. Chứng minh tội phạm là một quá trình. Quá trình đó diễn ra ở cả giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử. Quyền và trách nhiệm chứng minh tội phạm không chỉ thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mà còn thuộc về Tòa án. Có ý kiến cho rằng trách nhiệm chứng minh tội phạm chỉ thuộc về Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, còn Tòa án với chức năng xét xử thì không có trách nhiệm chứng minh, quan điểm này là không phù hợp. Đúng là Tòa án có chức năng xét xử, nhưng khác với các nước theo mô hình tố tụng tranh tụng, trong đó bên buộc tội và gỡ tội tranh tụng về những vấn đề liên quan để chứng minh hay bác bỏ tội phạm của phía bên kia, trong đó Tòa án không tham gia vào việc thẩm vấn cùng với bên buộc tội hay bên gỡ tội mà đứng trung gian như người trọng tài phân xử. Ở Việt Nam, mô hình tố tụng là mô hình thẩm vấn. Tại phiên tòa, Tòa án tham gia vào việc thẩm vấn bị cáo và những người tham gia tố tụng, áp dụng các biện pháp do pháp luật quy định để chứng minh làm rõ bị cáo phạm tội hay không phạm tội; nếu phạm tội thì phạm tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự. Trên cơ sở đó mới ra phán quyết, kết tội, quyết định hình phạt, quyết định xử lý vật chứng, xem xét trách nhiệm dân sự… đối với họ. Như vậy, theo pháp luật tố tụng hình sự nước ta, Tòa án cũng có tham gia vào việc chứng minh tội phạm.

Nội dung 3:Mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh tội phạm của người bị tình nghi, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.

Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được sự nghi ngờ thì sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo phải được giải thích để áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho họ. Ví dụ, nghi ngờ một người là người phạm tội nhưng không chứng minh được họ phạm tội thì phải coi họ là người vô tội; nghi ngờ một người phạm tội nặng nhưng không chứng minh được họ phạm tội nặng mà chỉ có cơ sở xác định họ hành vi của họ thỏa mãn dấu hiệu của cấu thành tội phạm nhẹ hơn thì phải coi là họ phạm tội nhẹ hơn, nghi ngờ một người dùng công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội nhưng không chứng minh được thì không thể suy diễn theo cách         “Không lẽ bị cáo bán ma túy đã mấy năm mà không sử dụng điện thoại lần nào để liên lạc mua bán chất ma túy?” để tịch thu sung công điện thoại của bị cáo. Kể cả trường hợp bị cáo khai có sử dụng nhưng không có bất kỳ chứng cứ nào khác chứng minh bị cáo đã sử dụng phương tiện này vào việc phạm tội thì cũng không thể suy diễn rằng bị cáo đã dùng điện thoại để mua bán trái phép chất ma túy, vì khoản 2 Điều 72 BLTTHS qui định “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.

Điều 74 BLTTHS qui định “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; mang dấu vết của tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người pham tội”.

Xin đưa ra ví dụ một vụ án hình sự, do không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Luật TTHS, tự suy diễn đã dẫn đến quyết định sai lầm gây bất lợi cho bị cáo như sau:

Khoảng 11 giờ 15 phút ngày 12/2/2017, trong khi tuần tra tại khu vực tổ 20 Trường Phúc, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, Tổ công tác của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an thành phố Nha Trang phát hiện Bùi Văn Danh có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân. Tại đây, Danh tự lấy trong người ra 01 (một) hộp nhựa màu hồng bên trong đựng 62 đoạn ống hút nước nhựa hàn kín hai đầu bên trong chứa chất bột nén màu trắng (trọng lượng 1.1654g) và 01 bịch nilong chứa nhiều cục chất bột nén màu trắng (trọng lượng 0.1313g) giao nộp. Tổ công tác niêm phong tang vật rồi mời Danh về trụ sở làm việc.

Quá trình điều tra, Bùi Văn Danh khai nhận: khoảng 09 giờ ngày 10/2/2017, Danh lên khu vực Lầu Bảy, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang gặp một nam thanh niên (không rõ lai lịch) mua 3.000.000 đồng ma túy sau đó đem về phân nhỏ để sử dụng và bán lại cho người khác kiếm lời thì bị thu giữ. Trước đó, tại khu vực Lầu Bảy, Vĩnh Phước, Nha Trang, Danh đã nhiều lần bán ma túy cho Mai Văn Dũng (Quậy, sinh: 1993, HKTT và chỗ ở: 11/23 Phương Sài, phường Phương Sơn, Nha Trang) và Phạm Văn Khánh Hòa (sinh: 1992, HKTT và chỗ ở: 33/5 Phan Đình Giót, phường Phương Sài, Nha Trang), mỗi lần bán 01 tép ma túy với giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

Tại Cơ quan công an, Mai Văn Dũng, Phạm Văn Khánh Hòa đã thừa nhận nhiều lần đến Lầu Bảy mua ma túy của Bùi Văn Danh để sử dụng.

Tại Bản kết luận giám định số 105/GĐTP/2017 ngày 16/2/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Khánh Hòa xác định toàn bộ số chất bột nén màu trắng gửi giám định đều có chất ma túy: Heroin.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 118/2017/HSST ngày 20/6/2017, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang áp dụng điểm b, khoản 2, Điều 194; điểm o, p khoản 1 Điều 46; điểm g, khoản 1, Điều 48 BLHS xử phạt bị cáo Bùi Văn Danh 08 (tám) năm tù.

Về vật chứng: áp dụng khoản 2 Điều 76 BLTTHS, tịch thu sung quỹ Nhà nước:

-            01 điện thoại di động hiệu Samsung, sử dụng số thuê bao 01646255724.

-            Số tiền 700.000 đồng.

-            Tịch thu, tiêu hủy số ma túy đã thu giữ.

Quan điểm của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa về việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm như sau:

Tại phần xét thấy, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang cho rằng “01 điện thoại di động hiệu Samsung, sử dụng số thuê bao 01646255724 là phương tiện dùng để liên lạc mua bán ma túy… nên tịch thu sung quỹ Nhà nước”.

Tại hồ sơ thể hiện: (bút lục số 64), Bùi Văn Danh khai “Ngoài số ma túy bị cơ quan công an thu giữ, cơ quan công an còn thu giữ … 01 điện thoại di động hiệu Samsung, sử dụng số điện thoại 01646255724, điện thoại này sử dụng cho việc cá nhân của tôi”. Mặt khác, tại các biên bản lời khai của Mai Văn Dũng và Phạm Văn Khánh Hòa không có bất kỳ lời khai nào thể hiện việc sử dụng điện thoại để liên lạc với Bùi Văn Danh mua bán ma túy mà chỉ khi người nghiện có nhu cầu sử dụng thì thường lên khu vực Lầu Bảy gặp ai có bán ma túy thì mua, trong đó có mua của Bùi Văn Danh (bút lục 71, 74).

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/6/2017, phần thẩm vấn công khai bị cáo vẫn khẳng định 01 điện thoại di động hiệu Samsung, sử dụng số điện thoại 01646255724 dùng để liên lạc với người thân và mẹ bị cáo. Các tài liệu thu thập tại hồ sơ cũng không xác định chiếc điện thoại thu giữ trên người bị cáo là phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, việc Tòa án thành phố Nha Trang nhận định Bùi Văn Danh sử dụng điện thoại di động hiệu Samsung, sử dụng số thuê bao 01646255724 là phương tiện dùng để liên lạc mua bán ma túy, quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước là không có căn cứ.

Khi nhận được bản án sơ thẩm, do quá hạn kháng nghị nên VKSND tp NT có văn bản đề nghị VKSND tỉnh KH kháng nghị phần xử lý vật chứng nêu trên theo hướng sửa 1 phần bản án sơ thẩm, trả lại điện thoại cho bị cáo. Sau khi ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm, căn cứ Điều 38- Quyết định 960 của VKSND Tối cao, KSV đã tiến hành hỏi cung bị cáo và xác định, bị cáo không sử dụng điện thoại làm công cụ, phương tiện mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, quan điểm đúng của VKS một lần nữa lại bị HĐXX suy diễn, không tôn trọng các nguyên tắc của Bộ luật TTHS, đã tuyên bác kháng nghị, tịch thu sung công chiếc điện thoại mà các cơ quan THTT chưa hề chứng minh được nó đã từng được sử dụng làm công cụ, phương tiện mua bán trái phép chất ma túy. Việc suy diễn, nhận định chiếc điện thoại vô tri kia là vật chứng vụ án để tịch thu sung công hoàn toàn không có căn cứ.

Nên chăng, từ phiên tòa sơ thẩm, cần áp dụng khoản 5 Điều 194 BLHS để phạt bổ sung tiền, tạm giữ chiếc điện thoại của bị cáo để đảm bảo thi hành án thì thật thuyết phục.

Một số vấn đề rất nhỏ, nếu biết tuân thủ các nguyên tắc của Luật HS, Luật TTHS, tránh suy diễn thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và nhận được sự đồng thuận rất lớn trong các cơ quan THTT.


* Bài viết có sử dụng tài liệu nghiên cứu của
TS. Phạm Mạnh Hùng - Trường ĐT, BDNV kiểm sát.

N.N.T

Liên kết website

Thông kê truy cập