Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Trao đổi về biện pháp phong tỏa tài khoản trong tố tụng hình sự - Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng

Phong tỏa tài khoản là một trong các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân tốt hơn. Qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, biện pháp phong tỏa tài khoản có vai trò to lớn và phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo thực hiện hình phạt tiền, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt do hành vi phạm tội gây ra.

Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định cụ thể căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản. Theo đó:

Tại khoản 1 Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định… Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội”.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”.

Tại khoản 4 Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Ngay sau khi nhận được lệnh phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản… phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản. Biên bản về việc phong tỏa tài khoản được lập thành năm bản, trong đó một bản được giao ngay cho người bị buộc tội, một bản giao cho người khác có liên quan đến người bị buộc tội …”.

Như vậy, để áp dụng được biện pháp phong tỏa tài khoản, người tiến hành tố tụng phải xác định được người bị buộc tội là cá nhân cụ thể nào; tức là phải xác định được nhân thân, lai lịch (họ tên, giới tính, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, nơi cư trú…) của người bị buộc tội. Trên cơ sở đó mới xác định tài khoản nào là của người bị buộc tội, tài khoản nào liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội để áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản. Và khi tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước thực hiện việc phong tỏa tài khoản phải lập biên bản về việc phong tỏa và giao biên bản đó cho người có tài khoản bị phong tỏa.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự, có thể xảy ra những trường hợp áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là cần thiết nhưng việc áp dụng này lại không đúng quy định; đồng thời tạo ra những khó khăn, vướng mắc khác như:

Thực tiễn hiện nay có rất nhiều vụ việc giả danh cán bộ cơ quan nhà nước (thường là cán bộ tư pháp) hoặc lợi dụng lòng tham, sự thiếu hiểu biết của bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào “số tài khoản ảo” để chiếm đoạt tài sản. Sau đó, các đối tượng liên tục rút, chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhau để tẩu tán tài sản.Hoặc trường hợp bị hại chuyển tiền đến nhầm số tài khoản đối tượng, đã yêu cầu hoàn trả nhưng đối tượng vẫn cố tình chiếm giữ tài sản trên.Trong các trường hợp này, ngay sau khi tiếp nhận tố giác về tội phạm của bị hại thì áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản là cần thiết, mang tính khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản trong trường hợp này là không đúng quy định. Bởi lẽ:

Vụ việc đang trong giai đoạn thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can; chưa có ai bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hay tự thú, đầu thú (nói cách khác là chưa xác định được ai là người bị buộc tội) nên không đủ căn cứ để áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản theo quy định khoản 1 Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự và những phân tích đã nêu.

Ngoài ra, trong vụ việc bị hại chuyển tiền vào “số tài khoản ảo”, có thể xảy ra trường hợp người tiến hành tố tụng mới chỉ có thông tin về số tài khoản, tên chủ tài khoản của “tài khoản ảo”(có thể do bị hại cung cấp), chưa có thông tin nào khác về nhân thân, lai lịch của chủ tài khoản(giới tính, năm sinh, nơi cư trú…) đã tiến hành phong tỏa tài khoản. Lúc này, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản không thể lập biên bản về việc phong tỏa và giao biên bản đó cho người có tài khoản bị phong tỏa theo quy định tại khoản 4 Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hoặc xảy ra trường hợp, khi đã có lệnh phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước vẫn tiến hành phong tỏa tài khoảnmà không quan tâm đến việc lệnh phong tỏa tài khoản có đầy đủ thông tin nhân thân, lai lịch của người có tài khoản bị phong tỏa hay không; cũng như không quan tâm đến việc lập, giao biên bản về việc phong tỏa cho người có tài khoản bị phong tỏa.

Bên cạnh đó, thực tế có thể xảy ra trường hợp người tên A tự nguyện chuyển tiền đến số tài khoản của người tên B (có thể dùng để thực hiện hợp đồng, tặng, cho,…) nhưng vì lý do nào đó mà A muốn lấy lại tiền và tố giác với cơ quan có thẩm quyền rằng mình bị lừa đảo. Lúc này, nếu người có thẩm quyền ra lệnh phong tỏa không đúng quy định sẽ gây thiệt hại, ảnh hưởng đến người bị phong tỏa tài khoản, dẫn đến trách nhiệm của người đã ra lệnh phong tỏa.

Để phòng ngừa vi phạm, cần quán triệt, nâng cao nhận thức về việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản; đảm bảo việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước cần quán triệt, thực hiện việc phong tỏa, lập, giao biên bản về việc phong tỏa đúng quy định; có thể từ chối việc phong tỏa tài khoản nếu lệnh phong tỏa tài khoản không đầy đủ thông tin của người có tài khoản bị phong tỏa.

 
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc không thể áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với trường hợp chưa có người bị bắt, người bị tạm giữ mặc dù việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là cần thiết, mang tính khẩn cấp tạm thời; cần sửa đổi quy định pháp luật về việc áp dụng biện pháp phong toả tài khoản trong trường hợp trên để việc áp dụng đúng quy định pháp luật.

Hoàng Tân

Liên kết website

Thông kê truy cập