Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

TRƯỜNG SA MÃI TRONG TÔI

Giữa tháng 3, đồng chí Viện trưởng bước sang phòng tôi với tờ giấy trên tay và thông báo việc UBND tỉnh Khánh Hòa quan tâm đến Ngành Kiểm sát, mời Lãnh đạo tham gia đoàn công tác của tỉnh đi thăm và làm việc tại huyện Trường Sa. Đồng chí động viên “chị cố gắng đi 1 chuyến…” Lúc bấy giờ, tôi cảm thấy cay cay nơi đáy mắt và nhận lời ngay.

Nghĩ rằng có đi cũng phải trung tuần tháng 4, còn 1 tháng để chuẩn bị, không ngờ ngày 28/3/2018 UBND tỉnh Khánh Hòa ra QĐ thành lập đoàn công tác gồm 70 đồng chí (sau này thêm 02 đồng chí, thành 72) kèm theo kế hoạch thăm, tặng quà và làm việc tại các đảo thuộc huyện Trường Sa. Theo kế hoạch, đoàn sẽ có mặt tại nhà khách Vùng 4 Hải quân để nghe phổ biến kế hoạch đi thăm các đảo thuộc huyện Trường Sa, đoàn chính thức xuống tàu lúc 15h ngày 5/4/2018, 16h cùng ngày tàu xuất phát đưa 6 đoàn công tác gồm các tỉnh: An Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Khánh Hòa và Vĩnh Phúc do đồng chí Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp - phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam làm trưởng đoàn đi thăm và làm việc theo hành trình gồm: Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn, Cô Lin, Tiên Nữ, Núi Le (B), Thuyền Chài (A), An Bang, Trường Sa Đông, Trường Sa, nhà giàn DK1/19 (Quế Đường).

Do được dặn dò từ trước, tôi chuẩn bị đủ thứ: Cơm cháy, gạo lức rang, ruốc thịt, khoai lang tươi, thịt chưng mắm tép và các loại kẹo ngậm nhất là gừng, thôi thì đủ loại gừng tươi, gừng sấy, mứt gừng, gừng ngâm mật ong…Xuống tàu, điều đầu tiên mà tôi cảm nhận đó là nụ cười hiền lành và những cánh tay rắn rỏi của các chiến sỹ đón các thành viên lên tàu! Trên khuôn mặt rám nắng của các chiến sỹ, đâu đâu cũng thấy nụ cười, tôi cảm thấy gần gũi, thân quen như được trở về nhà với những lời dặn dò khi ra biển.

2 đêm 01 ngày lênh đênh trên biển chúng tôi đã ra đến đảo Song Tử Tây, các thành viên được đưa xuống xuồng vào đảo, khi đặt chân lên đảo là một trải nghiệm mà chỉ có người tham gia trực tiếp mới cảm nhận rõ rệt nhất. Chúng tôi được dự lễ chào cờ, duyệt binh của lực lượng hải quân, phòng không không quân, dân quân tự vệ trên đảo, khi lá cờ tung bay cũng là lúc quân và dân cùng các thành viên đoàn công tác cất cao lời hát Quốc ca, chưa bao giờ tôi vừa hát vừa thấy nghẹn ngào và khóc trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ của đảo, trước cột mốc chủ quyền Trường Sa, nhất là khi các chiến sỹ hô vang “xin thề” với 10 lời thề danh dự quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam. Không riêng tôi mà tất cả các thành viên của đoàn công tác khi trở về tàu, gặp lại ai cũng đều có cảm xúc trào dâng đầy tự hào khi được tự mình cất lên những ca từ âm hưởng hào hùng, vang vọng hòa vào biển trời của Tổ quốc giữa sóng biển mênh mông.

Tàu cứ đêm đi, sáng dừng 03 tiếng đối với đảo nổi, 02 tiếng đối với đảo chìm để cả đoàn lên đảo làm lễ, thắp nhang tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trên đảo và thắp nhang tại các Chùa; trao quà, thăm hỏi, giao lưu văn nghệ với các chiến sỹ và xuống thăm các hộ dân. Đoàn tổ chức lễ tưởng niệm ngay trên boong tàu 64 chiến sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma và các chiến sỹ hy sinh tại nhà giàn DK1, sau lễ tưởng niệm, toàn bộ các thành viên của đoàn thả hoa, nhang và chim hạc cầu cho hương hồn các chiến sỹ siêu thoát. Tôi nhớ mãi, sau lễ tưởng niệm 64 chiến sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma, trời đang nắng bỗng nhiên mây đen vần vũ, trời chuyển mưa giông thật lớn rồi trở lại tạnh ráo.

Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ được với nắng và gió giữa biển khơi, thời tiết cực kỳ khắc nghiệt mà trên đảo nổi như một công viên với giàn hoa giấy nở rực rỡ, hoa phong ba trắng muốt, hoa muống biển tím đua nhau khoe sắc.Trên các đảo nổi: Song Tử tây, Sinh tồn, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa…hầu hết đều trồng cây phong ba và bàng vuông, tuy vậy các chiến sỹ cho biết: Vừa qua cơn bão số 12, các cây bàng vuông bị bão đánh gẫy ngang cây, giờ mới được phục hồi nên đảo khá nắng. Mặc dù thiếu nước ngọt nhưng trên đảo các chiến sỹ đều tiết kiệm, tận dụng nước để trồng rau xanh, nuôi heo, gà, vịt để cải thiện thêm trong các bữa ăn hàng ngày.

Những ngày đầu của tháng 4, sóng không dữ dằn như mùa biển động nhưng 02 ngày đầu bước chân xuống tàu cũng khiến các thành viên của đoàn chao đảo. Có thời điểm, đồ đạc trong khoang tàu rơi tự do, các thành viên nằm trên sàn tàu cũng để lỏng mình tự lắc qua, lắc lại theo sóng đó là ngày thứ 4 khi gió mùa giật mạnh, trời nổi mưa giông, sau khi cả đoàn rời đảo xuống xuồng trở về tàu, những cơn sóng giật cấp 7, cấp 8 làm cho những chiếc xuồng va đập mạnh vào mạn tàu,                  khó khăn lắm các chiến sỹ mới cặp được mạn tàu và đưa từng thành viên lên tàu. Cả ngày và đêm đó, toàn bộ thành viên của đoàn công tác đều bỏ ăn, nhiều thành viên phải cho “cá ăn” và chuyền dịch. Cảm giác say sóng lan truyền cả phòng B9 của tôi, các thành viên say sóng nằm trên con tàu tròng trành, không ăn nổi bất cứ thứ gì, không thể ngồi dậy chứ đừng nói đến chuyện đi lại đã bào mòn sức lực của các thành viên trong phòng. Vậy mà cứ mỗi lần tàu dừng lại, được bước chân lên đảo, mọi mệt mỏi, nôn nao hầu như tan biến, các thành viên của đoàn ai nấy đều phấn khởi, háo hức lên đảo cùng chụp hình, giao lưu văn nghệ, thăm hỏi các chiến sỹ, xuống từng hộ dân.

Hàng ngày, trên tàu loa phát thanh nội bộ của tàu liên tục phát những ca khúc bất hủ về Trường Sa, trước khi đến đảo loa phát thanh đều thông tin toàn bộ lịch sử, địa lý của từng đảo cho các thành viên nhằm khơi dậy lòng yêu đảo, yêu từng tấc đất của quê hương.  

Quanh năm với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, song mỗi hòn đảo trên quần đảo Trường Sa đều ẩn chứa trong mình vẻ đẹp hút hồn đối với mỗi thành viên của đoàn công tác. Đợt đi này, chúng tôi không được xuống hết 10 đảo và nhà giàn DK1 theo kế hoạch ban đầu do gặp lúc gió mùa, biển động. Tuy nhiên, đoàn công tác vẫn cử Ban tổ chức, Lãnh đạo các đoàn: Tây Ninh, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc cùng đội văn nghệ lên đủ 10 đảo và nhà giàn DK1 (Quế Đường) để thăm hỏi, động viên trao quà và giao lưu văn nghệ cùng các chiến sỹ. Mặc dù không được lên đảo, nhà giàn, nhưng mỗi khi đến gần với đảo, tất cả các thành viên đều tản ra mạn tàu để chụp hình từ xa các đảo chìm để làm kỷ niệm, tấm hình ghi dấu ấn nhất đối với tôi vẫn là đảo An Bang nhìn từ xa như một cung điện trong chuyện cổ tích với ngọn hải đăng cổ kính vươn cao. Đến với đảo chìm Núi Le, tọa lạc trên rạn san hô với chiều dài 10km, rộng 5 km là những thảm màu nước biển nhiều màu sắc với nhiều dây hoa rực rỡ sắc màu trên đảo.

Đến Trường Sa, tôi ấn tượng với những chú chó với cặp mắt hiền lành vốn được ví như cư dân đặc biệt của đảo, chúng được đưa từ đất liền ra đảo sinh sống, qua thời gian thích nghi đã nhanh chóng trở thành những người bạn thân thiết của quân và dân trên các đảo, cùng theo chân các chiến sỹ ngày đêm đi tuần tra canh giữ biển đảo.

Đến với mỗi đảo chỉ dừng lại 2 đến 3 tiếng đồng hồ lại phải nói lời chia tay, hình ảnh các chiến sỹ đứng dàn hàng ngang trên cầu tàu hát vang những bài ca về Trường Sa, về Bác với những cánh tay vẫy mãi khi tàu nhổ neo đến khi khuất dần, khuất dần vào đêm tối làm tôi thấy nghẹn ngào đến khó tả, hình ảnh đó đã để lại trong tôi những dấu ấn không bao giờ phai của những ngày đầu tháng 4 này, đủ để tôi nhớ và mang theo suốt cuộc đời!

T.T.T

Liên kết website

Thông kê truy cập