Khánh Vĩnh là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, với gần 40.000 người sinh sống, trong số đó có hơn 75% dân số là người đồng bào các dân tộc thiểu số. Thời gian qua, mặc dù các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương trong vấn đề tảo hôn và phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra ở nhiều xã trên địa bàn huyện (năm 2021: 20 trường hợp; năm 2022: 21 trường hợp; năm 2023: 29 trường hợp; năm 2024: 05 trường hợp). Đáng chú ý có 01 trường hợp đã bị xét xử về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” quy định tại khoản 2, Điều 145 Bộ luật Hình sự.
Nguyên nhân dẫn dến hành vi phạm pháp luật nói trên là do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế; ảnh hưởng của phong tục tập quán địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung và Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng đến quần chúng Nhân dân nhất là vùng dân tộc thiểu số có lúc còn chưa được thường xuyên, liên tục, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, các tổ chức đoàn thể; công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu trên địa bàn chưa thực sự chặt chẽ nên trường hợp các cặp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn với thời gian dài, nhưng công tác phát hiện, xử lý của chính quyền địa phương chưa được kịp thời và kiên quyết.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cá nhân, tổ chức; giáo dục pháp luật về Hôn nhân gia đình cho quần chúng Nhân dân, xây dựng một gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, đời sống hôn nhân hạnh phúc. Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Vĩnh đã phối hợp với các quan Phòng Dân tộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tư pháp, Huyện Đoàn Khánh Vĩnh, Tòa án nhân dân huyện Khánh Vĩnh… triển khai nhiều biện pháp như: Tổ chức mở phiên tòa xét xử kín, tuyên án công khai đối với vụ án H.C về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm a, d khoản 2, Điều 145 của Bộ luật hình sự; tổ chức các phiên tòa giả định xét xử về tội “Tảo hôn” với thành phần tham dự là nhóm vị thành niên, thanh niên người dân tộc thiểu số, phụ huynh và học sinh các trường, nhóm phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc có đặc thù tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; lãnh đạo cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Thông qua các phiên tòa, những người tham dự được xem, giao lưu và trực tiếp hỏi, nghe trả lời từ đó hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan đến điều kiện kết hôn, việc tảo hôn, xử lý các hành quan hệ tình dục với người dưới chưa đủ 16 tuổi… Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật.
Đồng thời Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Vĩnh đã ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm số 56 /KN – VKSKV ngày 31/12/2024 đến Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh. Theo đó yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh dụng các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng như:
- Chỉ đạo cơ quan, đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội như: Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Tư pháp, Phòng Dân tộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Công an huyện, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các trường học trên địa bàn huyện xây dựng và hoàn thiện chương trình bảo vệ trẻ em, vận động học sinh đến trường đồng thời tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm phạm tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết. Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình cần trình báo ngay với cơ quan Công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh để bỏ lọt hành vi có dấu hiệu vi phạm và tội phạm.
- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là Luật trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, các quy định, điều kiện, thủ tục về kết hôn, giúp Nhân dân nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn. Đẩy mạnh công tác giáo dục giới tính, lối sống trong tầng lớp thanh, thiếu niên để họ nhận thức được hậu quả của việc chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn.
- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về Hôn nhân và gia đình.
Trên cơ sở Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Vĩnh, UBND huyện Khánh Vĩnh đã ban hành văn bản số 179/UBND-NC ngày 15/01/2024 về việc tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật liên quan đến Luật trẻ em, Luật hôn nhân và gia đình để thực hiện các nội dung theo Kiến nghị số 56 /KN – VKSKV.
Trên cơ sở Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Vĩnh, UBND huyện Khánh Vĩnh đã ban hành văn bản số 179/UBND-NC ngày 15/01/2024 về việc tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật liên quan đến Luật trẻ em, Luật hôn nhân và gia đình để thực hiện các nội dung theo Kiến nghị số 56 /KN – VKSKV.
Phan Thoa - VKSND huyện Khánh Vĩnh