Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

VKSND tỉnh Khánh Hòa: Một số kinh nghiệm trong kiểm sát giải quyết các vụ án "tranh chấp hợp đồng tín dụng"

Qua công tác kiểm sát bản án, quyết định giải quyết các vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” của Tòa án cấp sơ thẩm (Tòa án cấp huyện), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết đối với loại tranh chấp này.

1/ Về xác định tư cách của nguyên đơn:

- Vụ việc thứ nhất: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; giữa:

+ Nguyên đơn: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

+ Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Tào

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2016/KDTM-ST ngày 11/4/2016, Tòa án nhân dân thành phố Cam Ranh đã tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; buộc ông Nguyễn Văn Tào phải trả cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam số tiền nợ gốc và lãi đến ngày 05/4/2016  tổng cộng: 2.354.496.667 đồng là có căn cứ. Tuy nhiên, trong các tài liệu có tại hồ sơ, như: quyết định phân công thẩm phán, thư ký tiến hành giải quyết vụ án, thông báo thụ lý vụ án, thông báo về phiên hòa giải, biên bản hòa giải, quyết định ủy thác thu thập chứng cứ, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án … Tòa án nhân dân thành phố Cam Ranh đều ghi nguyên đơn là: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam- Chi nhánh thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa là không đúng.

- Vụ việc thứ hai: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; giữa:

+ Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt- Chi nhánh Khánh Hòa.

+ Bị đơn: Ông Lê Tuấn Hải, bà Nguyễn Thị Kim Anh.

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 08/2016/QDDST-KDTM ngày 15/6/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, xác định nguyên đơn Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt- Chi nhánh Khánh Hòa là không đúng.

* Vấn đề cần rút kinh nghiệm: Theo quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 92 Bộ luật dân sự năm 2005, thì Chi nhánh của các Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam hoặc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân chứ không phải là pháp nhân. Các Chi nhánh Ngân hàng đứng đơn khởi kiện với tư cách được ủy quyền của pháp nhân. Do vậy, xác định tư cách của nguyên đơn phải là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam hoặc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (như trong hai vụ việc vừa nêu trên).

2/ Về lãi phạt chậm trả:

Trong một số vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Ngân hàng), buộc bị đơn (khách hàng vay) phải trả cho nguyên đơn nợ gốc, nợ lãi trong hạn, nợ lãi quá hạn; ngoài ra còn tuyên bị đơn phải trả thêm khoản tiền lãi phạt chậm trả là không đúng với quy định của pháp luật. Cụ thể:

- Vụ việc thứ nhất: Về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; giữa:

+ Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long

+ Bị đơn: Ông Nguyễn Ngọc Linh, bà Nguyễn Thị Minh Hiếu

Tại quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 02/2016/KDTM-ST ngày 17/8/2016, Tòa án nhân dân huyện Vạn Ninh quyết định: “Đại diện hợp pháp của nguyên đơn anh Trần Hùng Thanh và bị đơn chị Nguyễn Thị Minh Hiếu cũng là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn anh Nguyễn Ngọc Linh tự nguyện thống nhất thỏa thuận về phương thức trả nợ và thời hạn trả nợ số tiền 121.426.640 đồng (một trăm hai mươi mốt triệu bốn trăm hai mươi sáu nghìn sáu trăm bốn mươi đồng) tính đến ngày 12 tháng 6 năm 2016, trong đó:  

- Tiền gốc: 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng).

- Tiền lãi trong hạn: 1.306.253 đồng (Một triệu ba trăm lẻ sáu nghìn hai trăm năm mươi ba đồng), tính từ ngày 01/7/2012 đến hết ngày 01/9/2012.

- Phạt chậm trả lãi: 1.810.387 đồng (Một triệu tám trăm mười nghìn ba trăm tám mươi bảy đồng), tạm tính từ ngày 01/7/2012 đến hết ngày 12/6/2016.

- Tiền lãi quá hạn: 68.310.000 đồng (Sáu mươi tám triệu ba trăm mười nghìn đồng), tạm tính từ ngày 02/9/2012 đến hết ngày 12/6/2016.

- Vụ việc thứ hai: Về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; giữa:

+ Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP Kiên Long

+ Bị đơn: Ông Phùng Thế Quang, bà Nguyễn Thị Chàm

Tại quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2016/KDTM-ST ngày 26/01/2016, Tòa án nhân dân thành phố Cam Ranh quyết định: “Ông Phùng Thế Quang và bà Nguyễn Thị Chàm phải trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long số tiền nợ tính đến ngày 26/01/2016 như sau:

- Nợ gốc:  50.000.000đ

- Lãi trong hạn: 1.850.306đ

- Lãi quá hạn:  49.817.125đ

- Lãi phạt chậm trả: 1.986.695đ

Tổng cộng cả gốc và lãi là: 103.654.126đ.

Nhưng Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long xem xét giảm lãi cho ông Phùng Thế Quang và bà Nguyễn Thị Chàm 25.000.000đ. Do đó, ông Phùng Thế Quang và bà Nguyễn Thị Chàm còn phải trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long 50.000.000đ nợ gốc và 28.654.126đ nợ lãi, tổng cộng số tiền ông Phùng Thế Quang và bà Nguyễn Thị Chàm phải trả là 78.654.126đ (Bảy mươi tám triệu sáu trăm năm mươi bốn nghìn một trăm hai mươi sáu đồng). Thời gian trả dứt điểm số nợ trên (78.654.126đ): ngày 26/7/2016”.

- Vụ việc thứ ba: Về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; giữa:

+ Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP Á Châu

            + Bị đơn: Bà Lê Liên Anh

            Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2016/KDTM-ST ngày 04/7/2016, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã quyết định: “Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc bà Lê Liên Anh phải trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu:

- Nợ gốc: 1.499.882.831 đồng;

- Tiền lãi: 277.218.380 đồng, gồm:

+ Lãi trong hạn: 218.982.912 đồng;

+ Lãi quá hạn: 52.805.724 đồng;

+ Lãi phạt chậm trả: 5.429.744 đồng;

cùng các khoản tiền lãi phát sinh từ ngày 24/5/2016 theo mức lãi suất nợ quá hạn do các bên thỏa thuận tại các hợp đồng tín dụng số KHA.CN.06.220414 ngày 24/4/2014, số KHA.CN.07.220414 ngày 24/4/2014, số KHA.CN.01.200814 ngày 21/8/2014, số KHA.CN.492.221214 ngày 22/12/2014 cho đến khi bà Lê Liên Anh hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng TMCP Á Châu. Bà Lê Liên Anh phải trả nợ theo thứ tự: phí/ các khoản phải trả khác (nếu có), phạt chậm trả lãi, lãi quá hạn, lãi trong hạn và nợ gốc”.

* Vấn đề cần rút kinh nghiệm: Khoản tiền lãi phạt chậm trả được tính trên số dư nợ lãi quá hạn nhân với số ngày quá hạn và tỷ lệ phần trăm phạt theo thỏa thuận và được xem là “lãi chồng lãi”. Do đó, thỏa thuận này của các bên trong hợp đồng tín dụng là vô hiệu vì không đúng với quy định của Khoản 5 Điều 474 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 11 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Khi có tranh chấp về khoản tiền lãi phạt chậm trả thì không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.

3/ Tiền lãi sau ngày xét xử sơ thẩm:

- Vụ việc thứ nhất: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; giữa:

+ Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt- Chi nhánh Khánh Hòa.

+ Bị đơn: Ông Lê Tuấn Hải, bà Nguyễn Thị Kim Anh.

Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 08/2016/QDDST-KDTM ngày 15/6/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang quyết định: “… Trong quá trình trả nợ nêu trên, ông Hải và bà Kim Anh còn phải chịu thêm tiền lãi theo HĐTD số 610103/TTTD ngày 22/11/2013 mà các bên đã ký, số tiền làm căn cứ tính lãi dựa trên số dư nợ thực tế còn lại chưa thanh toán… Quy định chung: Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên thi hành án chậm trả số tiền nợ gốc thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán”.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định nêu trên là không đúng, vì: cùng một khoản tiền nợ gốc dựa trên số dư nợ thực tế, bị đơn vừa có nghĩa vụ phải thanh toán tiền lãi với mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, vừa phải thanh toán thêm khoản tiền lãi do chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

- Vụ việc thứ hai: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; giữa:

+ Nguyên đơn: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

+ Bị đơn: Ông Nguyễn Thanh Tùng, bà Trần Thị Thu Thủy

Tại quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 03/2016/QĐST-KDTM, Tòa án nhân dân thành phố Cam Ranh quyết định:

Ông Nguyễn Thanh Tùng, bà Trần Thị Thu Thủy trả cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn- chi nhánh thành phố Cam Ranh 169.657.443đ (vốn gốc: 17.781.000đ, lãi: 151.876.443đ) và tiền lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng số 4702-LAV-201001555 ngày 24/3/2011 từ ngày 01/02/2016 cho đến khi thanh toán hết nợ.  Quy định: Kể từ ngày Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Nguyễn Thanh Tùng, bà Trần Thị Thu Thủy chưa thi hành xong khoản tiền phải thanh toán cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thì hàng tháng ông Nguyễn Thanh Tùng, bà Trần Thị Thu Thủy còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo hợp đồng tín dụng số 4702-LAV-201001555 ngày 24/3/2011 nhưng không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản.

Như vậy, cùng một khoản tiền nợ gốc 17.781.000đ, Tòa án quyết định ông Nguyễn Thanh Tùng, bà Trần Thị Thu Thủy phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam hai lần lãi: lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng số 4702-LAV-201001555 tính từ ngày 01/02/2016 cho đến khi thanh toán hết nợ và tiền lãi chậm thi hành án (không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định). Việc Tòa án quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như đã nêu là không đúng với quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Mặt khác, tại quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 03/2016/QĐST-KDTM, Tòa án còn quy định: nếu ông Nguyễn Thanh Tùng, bà Trần Thị Thu Thủy chậm thi hành án thì còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo hợp đồng tín dụng số 4702-LAV-201001555 ngày 24/3/2011 nhưng không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định cũng là không đúng với quy định của Khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự 2005. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự 2005 thì bên có nghĩa vụ chậm trả tiền chỉ phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả.

* Vấn đề cần rút kinh nghiệm: Đối với các khoản tiền vay của Ngân hàng, tổ chức tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.

Đình Nhật - Phòng 10 VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập