Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Bàn về việc xử lý đối với tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự

Bên cạnh việc xử lý đối tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự, trên thực tế có nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện để điều khiển nhưng được chủ phương tiện nhờ hoặc giao cho điều khiển dẫn đến tai nạn và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, phần lớn người giao và người được giao có quan hệ bạn hè thân thiết, đồng nghiệp hoặc cha mẹ, anh chị em trong gia đình nên các bên thường tự thống nhất với nhau là tự ý lấy phương tiện để đi gây khó khăn cho quá trình xử lý vụ án, vụ việc.

Ngoài ra, cấu thành cơ bản của điều luật cũng không nêu rõ về người bị thiệt hại và lỗi của người được giao nên khi tiến hành giải quyết một số vụ việc, vụ án nhiều địa phương còn nhiều quan điểm khác nhau.

Ví dụ 01: Chiều ngày 02/01/2022, Nguyễn Văn A (Sinh năm 1983) tổ chức ăn và uống rượu tại nhà của A cùng với cháu Nguyễn Văn B (Sinh năm 2005) và một số người bạn của A. Sau khi ăn uống đến 20 giờ 30 phút cùng ngày, A đưa xe mô tô BKS (79X1- ….) của A nhờ B điều khiển đi đến cách nhà 5km để đón con của A đi học về còn A tiếp tục ngồi ăn uống cùng nhóm bạn của mình (A biết B chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe và đã uống rượu). B điều khiển xe mô tô trên đi được 3km thì do đã uống rượu không làm chủ tay lái nên đã lấn sang phần đường xe ngược chiều đâm vào xe ô tô BKS (79A - ….) do Trần Văn X đang lưu hành đúng tốc độ và phần đường gây tai nạn. Hậu quả: Xe ô tô BKS (79A - …) bị hư hỏng thiệt hại 50.000.000 đồng, Nguyễn Văn B tử vong do đa chấn thương, Trần Văn X không bị thương tích gì.

Xác định trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A, có hai quan điểm khác nhau, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn A không đủ yếu tố cấu thành tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ, Nguyễn Văn B điều khiển xe mô tô do A giao dẫn đến tai nạn và làm chết 01 người nhưng người chết là B không phải “người khác” tức cho rằng phải gây thiệt hại cho người khác (người thứ ba) thì Nguyễn Văn A mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Nguyễn Văn A đủ yếu tố cấu thành tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ, cụm từ “gây thiệt hại cho người khác” ở đây để chỉ đối với “Người nào giao” không phải để chỉ người điều khiển, nghĩa là pháp luật bảo vệ tính mạng của người bị thiệt hại bao gồm cả người được giao mặc dù không đủ điều kiện. Về vấn đề này, tại Công văn số 89 ngày 30/06/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về thông báo giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử  cũng nêu “Người khác ở trong trường hợp này được hiểu là bất kỳ người nào, trừ người giao phương tiện giao thông”. Do đó, trong trường hợp trên thì Nguyễn Văn A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Ví dụ 2: Cũng trong trường hợp trên nhưng Nguyễn Văn B đang điều khiển xe mô tô đi đúng phần đường, đúng tốc độ thì bất ngờ bị xe ô tô (BKS 79A - …..)  do Trần Văn X điều khiển hướng ngược chiều đang vượt lên không đảm bảo an toàn, đi không đúng phần đường đâm vào xe mô tô BKS (79X1…) do B điều khiển gây tai nạn. Hậu quả: B tử vong do đa chấn thương. X bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật hình sự.

Trường hợp này, xác định trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A cũng có hai quan điểm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng Nguyễn Văn A phạm tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự. Do cấu thành cơ bản của Điều 264 Bộ luật hình sự không quy định người được giao điều khiển phải vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ (là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn) và dẫn đến hậu quả. Do đó, Nguyễn Văn A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Thứ hai cũng là quan điểm của tác giả, Nguyễn Văn A không phạm tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Lý do, mặc dù B không có giấy phép lái xe và có nồng độ cồn nhưng B điều khiển đúng tốc độ, phần đường và làn đường nhưng bất ngờ bị xe ô tô của X đâm vào xe mô tô của B gây tai nạn, nghĩa là không có mối quan hệ nhân quả giữa việc B không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ dẫn đến tai nạn làm B tử vong. Vì vậy, Nguyễn Văn A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Tuy vụ việc nêu trên không có nhiều tình tiết phức tạp nhưng có nhiều quan điểm về việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người giao phương tiện (Nguyễn Văn A) khác nhau nên đưa ra cùng đồng nghiệp trao đổi, cùng bàn và áp dụng đúng quy định của Pháp luật.

Thành Luân

Liên kết website

Thông kê truy cập