Đấu giá là một trong những hình thức mua bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường và là hình thức bán tài sản công khai, minh bạch hiện nay. Ở Việt Nam, hình thức bán đấu giá tài sản ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nói chung và tổ chức nói riêng. Mặc dù Luật đấu giá tài sản năm 2016 đã có những quy định bảo vệ quyền và lợi ích cho cả người có tài sản và người mua tài sản đấu giá như phạm vi điều chỉnh rộng hơn, bổ sung các loại hình tài sản mới như quyền khai thác, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá và người mua tài sản đấu giá ngay tình trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua tài sản đấu giá ngay tình.… cùng các phương thức đấu trực tuyến, gián tiếp, kỳ vọng sẽ mở rộng hoạt động đấu giá, nâng cao chất lượng đấu giá, tạo sự minh bạch, tin tưởng và tránh thất thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Luật đấu giá tài sản 2016 và Luật sửa đổi, bổ sung 2024 vẫn chưa thực sự hiệu quả và/hoặc thủ tục đấu giá còn chưa rõ ràng, có sự mâu thuẫn với Luật Thi hành án dân sự hoặc việc thực thi chưa được đánh giá đúng, dẫn đến có sự vi phạm trong thực tiễn? Đó là lý do mà Học viên lựa chọn một quy định trong Luật đấu giá tài sản năm 2016, sửa đổi, bổ sung năm 2024 để phân tích, đánh giá và có vụ việc chứng minh, nhằm góp phần làm rõ quy định và đưa ra những kiến nghị nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người mua tài sản đấu giá.
- NỘI DUNG
1.1 Niêm yết việc đấu giá[1]:
Theo quy định tại Điều 35 Luật đấu giá tài sản năm 2016, trước khi tổ chức đấu giá là động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình và nơi có tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.
Tại Khoản 21 Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 35 Luật sửa đổi 2024 quy định:
Đối với tài sản là động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết liên tục thông tin quy định tại khoản 2 Điều này tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản đấu giá, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và nơi tổ chức phiên đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở phiên đấu giá.
Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết liên tục thông tin quy định tại khoản 2 Điều này tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản đấu giá, nơi tổ chức phiên đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên đấu giá.
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết liên tục thông tin quy định tại khoản 2 Điều này tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản đấu giá và nơi tổ chức phiên đấu giá ít nhất là 30 ngày trước ngày mở phiên đấu giá.
1.2 Thông báo công khai việc đấu giá[2]:
Theo Điều 57 Luật Đấu giá tài sản 2016, khi thực hiện việc đấu giá tài sản đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc.
Thời gian thông báo công khai lần thứ hai ít nhất là 07 ngày làm việc đối với tài sản là động sản, 15 ngày đối với tài sản là bất động sản trước ngày mở cuộc đấu giá. Việc thông báo công khai quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện đồng thời với việc niêm yết đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật này.
- Căn cứ điểm a khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024 sửa đổi, bổ sung Điều 57 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 như sau
“1. Ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này, đối với tài sản là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thông báo công khai hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, mỗi lần cách nhau ít nhất 02 ngày và ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá, trừ trường hợp thay đổi địa điểm tổ chức phiên đấu giá sau khi đã hết hạn tiếp nhận hồ sơ và nộp tiền đặt trước quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật này.
1a. Ngoài việc thông báo công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá.”.
Từ những quy định nêu trên cho thấy khi thực hiện việc đấu giá tài sản thì chấp hành viên hoặc tổ chức đấu giá phải thực hiện việc niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá. Tuy nhiên, nếu các chủ thể này không thực hiện các quy định nêu trên thì kết quả đấu giá giữa chấp hành viên hoặc tổ chức đấu giá và người mua tài sản có bị hủy hay không?
- Vụ việc thực tiễn
“Bản án số: 47/2018/DS-PT ngày 14-05-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước về việc tranh chấp yêu cầu huỷ kết quả bán đấu giá tài sản”.
TÓM TẮT VỤ ÁN
Theo Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số 03/2012/QĐ-DS ngày 25/6/2012 của Tòa án nhân dân huyện L thì ông Đặng Anh T và bà Nguyễn Thị T phải trả cho ông Vũ Huy C và bà Võ Thị T số tiền số tiền 470.000.000 đồng. Do ông T, bà T chưa trả nên Chi cục Thi hành án Dân sự huyện L (sau đây gọi tắt là Chi cục THADS) đã tiến hành kê biên tài sản của ông T, bà T gồm một phần thửa đất có diện tích 13.107 m2 trong tổng diện tích 15.686 m2, toạ lạc tại ấp S, xã L, huyện L, tỉnh Bình Phước, đã được Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện L cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 422 ngày 09/10/2000 mang tên ông Đặng Anh T. Ngày 09/11/2012 Chi cục THADS đã làm Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 27/2012 với Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước (sau đây gọi tắt là TTDVBĐGTS) và ngày 14/12/2012 tiến hành bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá là ông Trần Văn H.
Ông T, bà T cho rằng Chi cục THADS đã có sai phạm trong quá trình kê biên, bán đấu giá tài sản của ông T, bà T. Bởi vì, khi kê biên tài sản Chi cục thi hành án dân sự huyện L đã vi phạm Điều 6, Điều 74 của Luật thi hành án thì tài sản cấp cho hộ gia đình, mẹ ông T và các con ông T không nhận được thông báo và không biết được việc kê biên tài sản. Khi bán tài sản thì toàn bộ hộ gia đình ông T gồm mẹ và vợ chồng và các con đều không biết việc TTDVBĐGTS bán đấu giá tài sản của hộ gia đình, TTDVBĐGTS không niêm yết công khai tại nơi có tài sản, UBND xã L và nơi bán đấu giá tài sản là vi phạm Điều 28 Nghị định 17 ngày 04/3/2010 của Chính phủ. Khi bán xong tài sản thì lại có Công văn số 98 ngày 18/12/2012 ngưng việc thu tiền còn phải bổ sung thêm một số thủ tục trong hồ sơ thi hành án cho đúng pháp luật. Tài sản của ông T, bà T đang thế chấp Ngân hàng vay 200 triệu đồng đã trả lãi được 01 năm. Vì vậy, ông T, bà T yêu cầu huỷ bỏ Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 27/2012 ngày 09/11/2012 giữa Chi cục THADS với TTDVBĐGTS, huỷ bỏ Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá giữa TDVBĐGTS với ông Trần Văn H ngày 05/4/2013, huỷ kết quả bán đấu giá tài sản và huỷ Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của Chi cục THADS huyện L.
Theo trình bày của Chi cục THADS huyện L: Theo Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số 03/2012/QĐ-DS ngày 25/6/2012 của Tòa án nhân dân huyện L buộc ông Đặng Anh T và bà Nguyễn Thị T phải trả cho ông Vũ Huy C và bà Võ Thị T số tiền số tiền 470.000.000 đồng. Ngày 03/7/2012, ông C làm đơn yêu cầu thi hành án yêu cầu ông T, bà T hoàn trả số tiền 470.000.000 đồng. Chi cục THADS đã thụ lý đơn yêu cầu thi hành án và ra Quyết định thi hành án số 117/QĐ-CCTHA ngày 09/7/2012 buộc ông T, bà T hoàn trả số tiền 470.000.000 đồng cho ông C, bà T. Quá trình thi hành án do ông T, bà T không tự nguyện thi hành án nên Chi cục THADS đã ra quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất số 23 ngày 14/8/2012 và thực hiện việc cưỡng chế kê biên tài sản vào ngày 23/8/2012. Ngày 09/11/2012, Chi cục THADS đã ký Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 27/2012 với TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước để bán đấu giá tài sản kê biên theo đúng quy định. Ngày 14/12/2012, TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước đã tổ chức bán đấu giá thành tài sản kê biên, người mua được tài sản bán đấu giá là ông Trần Văn H với giá 472.600.000 đồng. Ngày 18/12/2012, Chi cục THADS có làm công văn gửi TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước tạm ngưng thu tiền vì thủ tục chưa đầy đủ để Chi cục THADS bổ sung, sau đó Chi cục THADS đã bổ sung Thông báo số 81/TB – THA ngày 26/10/2012 và Thông báo số 95/TB – THA ngày 30/10/2012. Chi cục THADS đã thông báo cho ông T, bà T giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tài sản. Do không tự nguyện giao nên Chi cục THADS đã tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá vào ngày 17/5/2013. Đối với yêu cầu khởi kiện của ông T, bà T thì Chi cục THADS không đồng ý và yêu cầu xác định yêu cầu của người khởi kiện, tư cách tham gia tố tụng vì Chi cục THADS đã giao cho TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước bán tài sản đấu giá rồi, còn đương sự yêu cầu huỷ quyết định kê biên tài sản là thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành thi hành án.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước trình bày:
Ngày 09/11/2012 giữa TTDVBĐGTS và Chi cục THADS huyện L đã ký kết Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 27/2012 để bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với phần đất có diện tích 13.107 m2, trong đó có 300 m2 đất thổ cư, tọa lạc tại ấp S, xã L, huyện L, tỉnh Bình Phước thuộc GCNQSDĐ số 422 do UBND huyện L cấp ngày 09/10/2000 mang tên hộ ông Đặng Anh T. Sau khi ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, TTDVBĐGTS đã thực hiện việc thông báo, niêm yết bán đấu giá theo đúng quy định. Ngày 14/12/2012, TTDVBĐGTS đã tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản trúng đấu giá là ông Trần Văn H. Ông Trần Văn H đã nộp đủ tiền mua tài sản nên TTDVBĐGTS đã giao tài sản cho ông H. Đối với yêu cầu khởi kiện của ông T, bà T thì TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước không chấp nhận.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn H trình bày: Ông H có mua được tài sản bán đấu giá do TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước tổ chức bán đấu giá với số tiền 472.600.000 đồng, sau khi nộp đủ tiền thì ông H đã được nhận tài sản và đã được UBND huyện L cấp GCNQSDĐ. Nguồn tiền để mua tài sản bán đấu giá trên là của riêng cá nhân ông H. Khi mua được tài sản bán đấu giá đến nay ông H chưa cơi nới, xây dựng gì trên đất. Nay ông T, bà T khởi kiện thì ông H không có ý kiến gì. Nếu trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ thì ông H yêu cầu được bồi thường thiệt hại do chênh lệch giá theo giá trị thị trường.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Vũ Huy C và bà Võ Thị T trình bày: Ông C, bà T là người được thi hành án theo Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số 03/2012/QĐ-DS ngày 25/6/2012 của Tòa án nhân dân huyện L. Do ông T, bà T không trả số tiền nợ 470.000.000 đồng cho ông C, bà T nên ông C, bà T đã yêu cầu thi hành án. Đến nay Chi cục THADS huyện L mới trả số tiền vay nợ của ông T, bà T cho ông C, bà T là 234.299.000 đồng, số tiền còn lại chưa trả là 235.701.000 đồng. Đến nay, ông T, bà T vẫn chưa trả số tiền vay nợ còn lại. Nay ông T, bà T khởi kiện thì ông C, bà T không đồng ý hủy kết quả bán đấu giá, đồng thời ông C, bà T yêu cầu sớm được thi hành số tiền nợ còn lại.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2017/DS-ST ngày 30/6/2017 của Toà án nhân dân huyện L đã quyết định: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Anh T và bà Nguyễn Thị T.
Ngày 12/7/2017, bị đơn Chi cục THADS huyện L có đơn kháng cáo, đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định lại tư cách tố tụng của Chi cục THADS huyện L trong vụ án và đề nghị hủy toàn bộ Bản án Dân sự sơ thẩm.
Ngày 14/7/2017, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước có đơn kháng cáo đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và hủy toàn bộ Bản án Dân sự sơ thẩm.
Ngày 12/5/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm tại Quyết định kháng nghị số 04/QĐ/KNPT-DS với nội dung đề nghị hủy toàn bộ Bản án Dân sự sơ thẩm.
Ngày 20/7/2017, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Vũ Huy C có đơn kháng cáo yêu cầu sửa Bản án Dân sự sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước nhận định như sau:
1. Vụ án này do có các yêu cầu kháng cáo của bị đơn Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước, ông Vũ Huy C và Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước theo thủ tục phúc thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết phúc thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước theo Điều 38 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
2. Hợp đồng bán đấu giá tài sản số 27/2012 ngày 09/11/2012 được xác lập giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện L và Trung tâm Dịch vụ bán bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước được thực hiện theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản nên nguyên đơn không có quyền khởi kiện yêu cầu hủy Hợp đồng bán đấu giá tài sản này. Còn đối với Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 27/HĐ – MB ngày 05/4/2013 giữa Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước và ông Trần Văn H được công chứng số 246A/quyển số 01 ngày 05/4/2013 của Văn phòng Công chứng số 2 tỉnh Bình Phước mà người phải thi hành án cho rằng việc tiến hành đấu giá bán tài sản của mình là không đúng thì họ chỉ có quyền khởi kiện đối với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước để yêu cầu huỷ kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định không chính xác quan hệ pháp luật và xác định bị đơn Chi cục Thi hành án Dân sự huyện L là không đúng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
3. Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số27/HĐ – MB ngày 05/4/2013 giữa Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước và ông Trần Văn H được công chứng số 246A/quyển số 01 ngày 05/4/2013 của Văn phòng Công chứng số 2 tỉnh Bình Phước vô hiệu và tuyên huỷ đối với Hợp đồng này nhưng Toà án cấp sơ thẩm không đưa Văn phòng Công chứng số 2 tỉnh Bình Phước tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là thiếu sót và không đúng pháp luật.
4. Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn có những sai sót khác sau đây:
- Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản ngày 14/12/2012, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định yêu cầu là có căn cứ nhưng không tuyên hủy kết quả bán đấu giá tài sản ngày 14/12/2012 do Đấu giá viên của Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước điều hành mà lại quyết định: “Tuyên biên bản bán đấu giá tài sản giữa Chi cục THADS huyện L với TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước ký ngày 14/12/2012 là vô hiệu” là không phù hợp. Hợp đồng bị vô hiệu và bị hủy là khác nhau nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vừa tuyên hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá lập ngày 05/4/2013 vô hiệu vừa tuyên hủy hợp đồng này là mâu thuẫn, không đúng quy định của pháp luật.
- Tại các đơn khởi kiện bổ sung vào các ngày 14/4/2014, ngày 15/5/2014 và ngày 12/7/2014 có nội dung yêu cầu bồi thường thiệt hại về kinh tế do mất thu nhập, bồi thường hợp đồng với đối tác, thiệt hại về những tài sản do kê biên, bán đấu giá thiếu so với thực tế, đơn đều do nguyên đơn ông T, bà T ký tên. Ngày 19/4/2017, ông T rút đơn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đình chỉ phần này đối với ông T là có thiếu sót. Bà T không có ký tên vào đơn rút yêu cầu khởi kiện bổ sung cùng với ông T nhưng Toà án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết yêu cầu của bà T cũng là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự .
- Tại thời điểm thực hiện giao kết hợp đồng bán đấu giá tài sản thi hành án, tiến hành bán đấu giá tài sản thi hành án, giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá thì Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản đã bị thay thế bởi Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04-03-2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Thông tư số 03/2005/TT-BTP ngày 04/5/2005 của Bộ Tư pháp đã bị thay thế bởi Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp; nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn vận dụng các văn bản pháp luật đã bị thay thế để giải quyết vụ án là không đúng.
5. Từ những căn cứ và lập luận nêu trên, xét thấy cần chấp nhận một phần các yêu cầu kháng cáo của bị đơn Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước, ông Vũ Huy C và chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước.
QUYẾT ĐỊNH
-Chấp nhận một phần các yêu cầu kháng cáo của bị đơn Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước, ông Vũ Huy C và chấp nhận Kháng nghị số 04/QĐ/KNPT-DS ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước.
-Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2017/DS-ST ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện L, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện L giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
- CÁC QUAN ĐIỂM:
Việc tuyên bố hợp đồng đấu giá vô hiệu và hủy kết quả đấu giá giữa TTDVĐGTS và người mua tài sản đấu giá do vi phạm về việc không tống đạt, không niêm yết thông báo thủ tục đấu giá cho người phải thi hành án của Chi cục Thi hành án và TTDVĐGTS biết hay không? Hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này;
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong quá trình thực hiện thủ tục đấu giá tài sản, Chi cục Thi hành án dân sự huyện L đã có sai phạm trong quá trình kê biên, bán đấu giá tài sản của ông T, bà T là vi phạm Điều 6, Điều 74 của Luật Thi hành án thì tài sản cấp cho hộ gia đình, mẹ ông T và các con ông T không nhận được thông báo và không biết được việc kê biên tài sản. Khi bán tài sản thì toàn bộ hộ gia đình ông T gồm mẹ và vợ chồng và các con đều không biết việc TTDVBĐGTS bán đấu giá tài sản của hộ gia đình, TTDVBĐGTS không niêm yết công khai tại nơi có tài sản, UBND xã L và nơi bán đấu giá tài sản là vi phạm trình tự thủ tục đấu giá theo quy định của pháp luật và đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án nên cần phải tuyên huỷ Hợp đồng bán đấu giá tài sản giữa Chi cục THADS với TTDVBĐGTS, huỷ Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá giữa TDVBĐGTS với ông Trần Văn H, huỷ kết quả bán đấu giá tài sản và huỷ Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của Chi cục THADS huyện L.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong quá trình đấu giá tài sản và thực hiện niêm yết thông báo đấu giá tài sản giữa Chi cục THADS huyện L có vi phạm nhưng Ông H đã mua được tài sản bán đấu giá do TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước tổ chức bán đấu giá, ông H đã nhận tài sản và đã được UBND huyện L cấp GCNQSDĐ. Khi mua được tài sản bán đấu giá đến nay ông H chưa cơi nới, xây dựng gì trên đất nên việc ông H mua tài sản là ngay tình, trung thực. Do vậy, cần phải công nhận Hợp đồng mua tài sản của Ông H và TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước. Nếu bị hủy thì ông H yêu cầu được bồi thường thiệt hại do chênh lệch giá theo giá trị thị trường.
Quan điểm của Người viết: Việc huỷ bỏ Hợp đồng bán đấu giá tài sản, huỷ bỏ Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá, huỷ kết quả bán đấu giá tài sản do vi phạm trình tự thủ tục niêm yết thông báo thủ tục đấu giá cho người phải thi hành thì cần phải xem xét việc đấu giá do ai thực hiện, bởi theo quy định thì chủ thể thực hiện việc đấu giá tài sản bao gồm tổ chức và Chấp hành viên.
- Nếu việc đấu giá tài sản được tổ chức thực hiện bởi tổ chức đấu giá là TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước thì tổ chức phải thực hiện việc niêm yết thông báo đấu giá tài sản và phải thông báo công khai đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản. Cần phải xem xét việc Hợp đồng đấu giá bị hủy và hủy kết quả đấu giá hay không thì phải tùy vào mức độ vi phạm của TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước và Chi cục THADS huyện L.
- Đối với người mua tài sản đấu giá là ông H là ngay tình nên công nhận giao dịch đấu giá tài sản giữa TTDVBĐGTS tỉnh Bình Phước và Ông H.
- NHẬN XÉT VỀ LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN NĂM 2024
Mặc dù Luật đấu giá sửa đổi năm 2024 đã quy định chặt chẽ hơn về việc xử lý vi phạm trong quá trình đấu giá và các yêu cầu mới về việc đăng ký đấu giá trực tuyến trên các nền tảng quốc gia nhằm bảo vệ lợi ích của người tham gia đấu giá nhằm nâng cao tính minh bạch và công bằng, tuy nhiên vẫn còn một số nhược điểm như sau:
- Thứ nhất: Quy trình phức tạp và thủ tục hành chính: Luật đấu giá tài sản 2024 quy định nhiều thủ tục và điều kiện chi tiết để tham gia đấu giá, như niêm yết trên Cổng Đấu giá Quốc gia, đăng ký đấu giá trực tuyến, và quy định về tiền đặt cọc. Điều này có thể gây khó khăn cho các cá nhân hoặc tổ chức mới tham gia hoặc thiếu kinh nghiệm, dẫn đến việc tiếp cận thị trường, tài sản đấu giá bị hạn chế.
- Thứ hai: Thiếu cơ chế giám sát hiệu quả: Mặc dù đã có quy định về công khai và minh bạch, việc giám sát quá trình đấu giá, đặc biệt trong đấu giá tài sản công, vẫn còn hạn chế. Điều này có thể tạo ra lỗ hổng cho các hành vi gian lận, thông đồng, hoặc lợi dụng quy trình đấu giá.
- Thứ ba: Quy định về tài sản đấu giá chưa rõ ràng: Luật sửa đổi đã bổ sung nhiều loại tài sản cần phải đấu giá, nhưng vẫn còn tồn tại sự thiếu rõ ràng về một số loại tài sản nhất định. Chẳng hạn, các quy định về đấu giá tài sản đặc thù như tài sản trí tuệ, giấy phép khai thác tài nguyên, hay các tài sản kỹ thuật số vẫn chưa được đề cập đầy đủ
- Thứ 4: Thời gian xử lý kéo dài: Yêu cầu niêm yết và công khai thông tin đấu giá ít nhất 15 ngày trước khi đấu giá chính thức nhằm đảm bảo tính minh bạch, nhưng điều này có thể làm chậm quá trình giải quyết tài sản trong các tình huống khẩn cấp hoặc đòi hỏi thời gian xử lý nhanh.
- Thứ 5: Thiếu hỗ trợ người tham gia đấu giá: Các cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin và thủ tục đấu giá do thiếu hỗ trợ tư vấn, đặc biệt là khi thực hiện đấu giá trực tuyến, đòi hỏi kiến thức kỹ thuật cao hơn.
Như vậy, các nhược điểm tại Luật đấu giá tài sản 2024 cho thấy mặc dù pháp luật đã có bước tiến đáng kể trong việc bảo vệ tính công bằng trong quá trình tham gia đấu giá. Tuy nhiên, vẫn cần cải thiện về mặt thủ tục hành chính, cơ chế giám sát và hỗ trợ cho người tham gia đấu giá.
KẾT LUẬN
Luật Đấu giá tài sản năm 2016, sửa đổi, bổ sung, năm 2024 đã quy định trình tự, thủ tục đối với tất cả các loại tài sản phải bán theo quy định của pháp luật, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, phần nào đã giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đối với cơ chế thị trường như hiện nay thì ngoài việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành còn cần phải nâng cao nhận thức pháp luật của các cán bộ thực thi pháp luật tại các cơ quan chính quyền liên quan đến đấu giá tài sản, của các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và bản thân các Chấp hành viên liên quan, để đảm bảo đúng nguyên tắc công khai, trung thực, minh bạch và đạt hiệu quả cao trong công tác bán đấu giá tài sản.