Xác minh điều kiện thi hành án dân sự là việc chấp hành viên xác minh thông tin, đối tượng phải thi hành (tài sản, thu nhập của người phải thi hành án, vật, giấy tờ, tài sản phải hoàn trả…) và các thông tin khác về nhân thân, hoàn cảnh gia đình của người phải thi hành án, thự trạng tài sản…để phục vụ cho quá trình tổ chức thi hành án. Kết quả xác minh là cơ sở để Chấp hành viên định hướng giải quyết hồ sơ thi hành án, thuyết phục đương sự tự nguyện, thỏa thuận thi hành án; đồng thời là căn cứ để ban hành các quyết định ủy thác, hoãn, chưa có điều kiện thi hành án hoặc tiến hành các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án... Tuy nhiên, thực tiễn công tác cho thấy một số bất cập trong việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Cụ thể:
Thứ nhất, về việc kê khai, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 Luật THADS quy định “người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình”. Tuy nhiên, trường hợp người phải thi hành án không kê khai đầy đủ, trung thực thì Chấp hành viên cũng khó có thể tiến hành xác minh. Bời vì, thông tin về tài sản chính quyền địa phương cung cấp hầu hết là liên quan đến bất động sản là nhà ở và đất đai, còn đối với các tài sản khác thì địa phương không thể xác định được. Trong khi đó, thực tế khi thực hiện các giao dịch, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt nên khó xác định về thu nhập của người phải thi hành án là bao nhiêu. Địa phương là cơ quan duy nhất có thể cung cấp thông tin thì cũng rất khó khăn để nắm được thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, để cưỡng chế người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm thì phải có chế tài đủ mạnh. Nhưng chế tài xử lý đối với trách nhiệm kê khai này chỉ là xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đây là một mức phạt khá nhẹ không đủ tính răn đe đối với hành vi vi phạm. Mặt khác, quy định về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này còn nhiều rắc rối, phức tạp do thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc về Cục trưởng Cục THADS, các Chấp hành viên của các Chi cục THADS phải trình lên cấp trên chờ phê duyệt gây kéo dài việc giải quyết vụ việc. Ngoài ra, pháp luật cũng không có chế tài quy định về việc Chấp hành viên, cơ quan THADS không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không kê khai của người phải thi hành án. Đây là nguyên nhân khiến cho cơ quan THADS hầu như chưa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không kê khai thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Từ đó, dẫn đến thực trạng là người phải thi hành án không kê khai tài sản mà không phải chịu bất kỳ biện pháp chế tài nào.
Thứ hai, việc chỉ tiến hành xác minh tại địa phương là chưa được thực hiện đầy đủ: Khi Chấp hành viên tiến hành xác minh hầu hết chỉ xác minh được tài sản liên quan đến bất động sản là nhà ở và đất đai, còn đối với các tài sản khác thì hầu như không xác minh được. Chẳng hạn như đối với có đăng ký sở hữu như xe ô tô, máy kéo, mô tô… thì cơ quan quản lý là Phòng cảnh sát giao thông. Đối với tàu biển thì cơ quan quản lý là Cục Hàng hải Việt Nam hoặc các Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải. Đối với tài khoản của người phải thi hành án thì thuộc quyền quản lý của Ngân hàng nơi có tài khoản của người phải thi hành án. Thực tế, người phải thi hành án có thể sở hữu, sử dụng tài sản nhưng nếu họ không kê khai thì khi Chấp hành viên chỉ tiến hành xác minh tại địa phương sẽ không thể xác định được những tài sản này. Mặt khác, những tài sản không có đăng ký sở hữu như các đồ dùng điện tử (ti vi, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt…), trang sức có giá trị đang được người phải thi hành án sử dụng…nhưng không thể xác định được đây là những tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án để tiến hành kê biên theo quy định. Người phải thi hành án có thể sở hữu, sử dụng tài sản ở địa phương ngoài địa bàn cư trú và có thể mở tài khoản ở bất kỳ ngân hàng nào. Trong khi đó, Chấp hành viên chỉ có nghĩa vụ và trách nhiệm xác minh điều kiện THADS tại địa bàn cấp huyện nơi người phải thi hành án cư trú. Đây là một kẽ hở để người phải thi hành án tận dụng nhằm che dấu điều kiện thi hành án của mình.
Thứ ba, vướng mắc trong công tác thi hành án đối với trường hợp đối tượng phải thi hành án là phương tiện hoặc con người: Trường hợp tài sản để thi hành án là các phương tiện hoặc trong việc giao con chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng: Đối với tài sản là phương tiện hoặc con người thì khi xác minh điều kiện thi hành án gặp khó khăn do tài sản này là động sản thường xuyên di chuyển không có tại địa phương, địa phương không quản lý được, không biết phương tiện đó hiện đang ở đâu nên rất khó để thi hành án được. Hoặc khi thi hành bản án, quyết định của Toà án về buộc giao con chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng. Khi họ không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh và ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, khi tổ chức tiến hành cưỡng chế thì người chưa thành niên lại không có mặt để tiến hành thực hiện việc cưỡng chế giao cho người được thi hành án nhưng cũng không thể xác định do người phải thi hành án cố tình không chấp hành. Bởi vì, con người không phải tài sản, họ có thể tự di chuyển đặc biệt đối với các cháu lớn tuổi có thể tự mình đi chơi, đi học... Vì vậy, việc thi hành án tồn đọng, kéo dài và không có hướng giải quyết.
Trên đây chỉ là một số dạng bất cập điển hình khi kiểm sát hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự trên thực tiễn, để bảo đảm việc thi hành án có hiệu quả, nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự nói chung khi xác minh điều kiện thi hành để góp phần đảm bảo bản án, quyết định được thi hành trên thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng và quyền lợi của đương sự.
Vũ Thị Xuyến