Đời sống xã hội ngày càng phát triển, tình trạng bất bình đẳng giới cũng ngày càng thu hẹp, nhận thức về vai trò và vị trí của nữ giới dần được nâng cao. Trong bối cảnh đó, các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ đã được chú ý nhiều hơn qua những lần các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Bài viết nhằm phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong giải quyết vụ án ly hôn để từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa pháp luật Việt Nam đối với lĩnh vực này.
Thứ nhất: Về Quyền khởi kiện vụ án ly hôn
- Hạn chế quyền ly hôn của người chồng khi người vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi: Bộ luật Dân sự 2015 công nhận quyền yêu cầu ly hôn của vợ, chồng như một quyền nhân thân, gắn liền với chủ thể. Trên tinh thần đó, Luật HN&GĐ ghi nhận và bảo vệ quyền tự do về hôn nhân của vợ và chồng, trong đó có cả quyền ly hôn. Điều này được thể hiện tại Điều 51, Luật HN&GĐ về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Vợ, chồng có thể ly hôn trong hai trường hợp thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên. Đồng thời, Luật HN&GĐ đã có quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong giải quyết vụ án ly hôn. Cụ thể: tại khoản 3 Điều 51, Luật HN&GĐ đã hạn chế quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của người chồng đối với trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này đã đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ trong lúc họ đang cần được bảo vệ nhất. Tức là, dù có đủ các căn cứ để ly hôn theo yêu cầu của một bên tại khoản 1 Điều 56, Luật HN&GĐ thì người chồng vẫn không có quyền yêu cầu ly hôn trong khi vợ đang mang thai, sinh con, hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Hơn nữa, ở trường hợp này người vợ vẫn được đảm bảo quyền ly hôn nếu họ nộp đơn cho Tòa án.
- Vai trò của Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam trong vấn đề khởi kiện vụ án ly hôn
Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của phụ nữ Việt Nam với tôn chỉ hoạt động là vì sự bình đẳng giới và phát triển cho phụ nữ, đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ Việt Nam. Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành cho phép Hội Liên hiệp phụ nữ khởi kiện vụ án ly hôn trong một số trường hợp. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 187, BLTTDS quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.”. Như vậy, quyền khởi kiện vụ án ly hôn không chỉ bó hẹp trong phạm vi các đương sự (vợ và chồng), những người thân thích của đương sự trong trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 56, Luật HN&GĐ, mà còn mở rộng ra cho các cơ quan khác bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, trong đó có Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam. Có thể thấy, pháp luật Tố tụng dân sự hiện hành đã dành phần ưu tiên bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong các vụ án ly hôn bằng cách trao quyền khởi kiện để bảo vệ phụ nữ cho một chủ thể thứ ba đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ Việt Nam.
Thứ hai: Ưu tiên quyền nuôi con của phụ nữ sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân
Luật HN&GĐ ưu tiên trao quyền nuôi con dưới 3 tuổi cho người mẹ tại khoản 3 Điều 81: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.” Quy định này đã đảm bảo lợi ích cho cả phụ nữ và trẻ em. Pháp luật đã có cái nhìn ưu ái hơn với người phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện thiên chức làm mẹ. Việc trao cho người mẹ quyền nuôi con dưới 3 tuổi là phù hợp với thực tiễn xã hội, đảm bảo lợi ích của người mẹ và trẻ em, bởi suy cho cùng, trong giai đoạn này, người mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng hơn đối với sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là sự phát triển về thể chất. Cho nên, việc trao cho người mẹ quyền trực tiếp nuôi dưỡng trẻ dưới 3 tuổi đã bảo vệ được lợi ích tốt nhất cho phụ nữ trong vụ án ly hôn có tranh chấp về quyền nuôi con.
Thứ ba: Quyền được tính công sức ngang với lao động có thu nhập khi phân chia tài sản
Trong xã hội Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại nhiều gia đình theo kiểu truyền thống, đó là người vợ làm công việc nội trợ, không tham gia sản xuất và tạo ra nguồn thu nhập từ xã hội cho gia đình, vẫn sẽ được xem xét như lao động có thu nhập đóng góp công sức vào việc tạo lập khối tài sản chung theo khoản 1, Điều 29 Luật HN&GĐ và điểm b, khoản 4, Điều 7, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP về Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HN&GĐ. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đời sống hôn nhân, việc tạo ra thu nhập của một bên cần có sự hỗ trợ, hợp tác của bên kia trong công việc chăm sóc con cái, gia đình. Do vậy, tài sản mà một người tạo ra không chỉ thuộc về riêng người đó mà còn là công sức đóng góp của người còn lại trong mối quan hệ hôn nhân. Quy định này đã bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong vấn đề phân chia tài sản chung khi giải quyết vụ án ly hôn. Bởi vì, như đã trình bày, thực tế chung của nhiều gia đình Việt Nam là người vợ sẽ đảm nhận công việc nội trợ, trong khi người chồng đóng vai trò là lao động chính của gia đình.
Theo quan điểm tác giả, quy định chia tài sản chung khi ly hôn nên đặt ra một cách linh hoạt tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế. Tại Việt Nam, theo Nghiên cứu các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới từ năm 2012-2015 của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) công bố vào tháng 3/2016, “Vai trò chăm sóc gia đình gây nên nhiều hạn chế cơ hội việc làm và nghề nghiệp của phụ nữ, hơn 20% phụ nữ không làm việc vì phải chăm sóc gia đình so với 2% nam giới; phụ nữ ở độ tuổi trên 25 thường chọn công việc gần nhà và có thời gian dành cho gia đình.” Rõ ràng, chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái, gia đình đã gây nhiều cản trở cho phụ nữ trong vấn đề tạo nên thu nhập từ việc lao động ngoài xã hội. Hơn nữa, việc chăm sóc con cái, gia đình đã chiếm rất nhiều công sức và thời gian của phụ nữ, tương đương với việc tham gia sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải, vật chất từ bên ngoài.
Cho nên, dù công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, con cái không trực tiếp tạo ra thu nhập cho gia đình nhưng vẫn được xem là đóng góp tạo lập, phát triển khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Quy định chia tài sản chung khi ly hôn đã không áp đặt một cách cứng nhắc dựa trên người trực tiếp tạo lập, phát triển khối tài sản đó mà xem xét như công sức chung của cả hai bên, bởi mỗi bên đều có đóng góp, dù trực tiếp, dù gián tiếp, công sức đóng góp ấy vẫn phải được ghi nhận và đảm bảo quyền lợi cho chủ thể khi ly hôn. Quy định này đã bảo vệ hiệu quả lợi ích của người phụ nữ trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, đặc biệt là những người phụ nữ là nội trợ, chấp nhận hy sinh công việc tạo ra thu nhập của mình để làm trở thành một người đảm nhận việc chăm sóc con cái, gia đình trong đời sống hôn nhân.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể, đảm bảo tốt lợi ích chính đáng của phụ nữ khi chấm dứt mối quan hệ hôn nhân. Dưới góc độ lý thuyết pháp luật nữ quyền, có thể nhận thấy lý thuyết này đã được áp dụng một cách nhân văn và tiến bộ trong một số quy định pháp luật vừa phân tích.