Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Quan điểm về việc hiểu và thực hiện về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự

Tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”.

Tại khoản 1 Điều 269 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Toàn án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Toà án nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Toà án có thẩm quyền xét xử là Toà án nơi kết thúc việc điều tra”.

Qua công tác thực tế, xét thấy việc Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền điều tra và thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ nêu trên còn có nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng. Cụ thể như sau:

Trên thực tế xảy ra trường hợp như sau: Ngày 01/7/2022, tại huyện X, tỉnh Y; Nguyễn Văn A thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô cướp giật tài sản của chị B trị giá 3.000.000 đồng.

Đến ngày 03/7/2022, tại huyện Z, tỉnh F; Nguyễn Văn A tiếp tục thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô cướp giật tài sản của chị C trị giá 2.000.000 đồng thì bị phát hiện, bắt giữ.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Z, tỉnh F đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam A về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 171 BLHS năm 2015 (thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm).

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện X, tỉnh Y cũng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 171 BLHS năm 2015.

Sau khi biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Z đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam A về tội “Cướp giật tài sản” nêu trên thì Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện X, tỉnh Y có công văn trao đổi ý kiến về việc chuyển vụ án đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Z, tỉnh F để điều tra chung trong cùng một vụ án căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Có 02 quan điểm trái chiều về quy định này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp này Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Z, tỉnh F không có thẩm quyền điều tra đối với vụ án xảy ra tại huyện X, tỉnh Y.

Quan điểm thứ hai cho rằng, trong trường hợp này Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Z, tỉnh F có thẩm quyền điều tra đối với vụ án xảy ra tại huyện X, tỉnh Y (khi Viện kiểm sát tỉnh Y có quyết định chuyển vụ án).

Quan điểm cá nhân đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ:

Một là, căn cứ khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì trong trường hợp này Cơ quan điều tra đang khởi tố, tạm giam đối với A sẽ có thẩm quyền điều tra đối với cùng hành vi phạm tội xảy ra trên địa bàn tỉnh khác khi có Quyết định chuyển vụ án đúng quy định theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Hai là, việc thực hiện khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong trường hợp này sẽ có lợi cho bị can khi xét xử trong việc áp dụng mức hình phạt. Nếu trường hợp này A bị xét xử tại 2 nơi khác nhau thì mức án của 2 bản án sẽ cao hơn mức án nếu chỉ xét xử 1 lần.

Ba là, việc thực hiện khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong trường hợp này sẽ tiết kiệm được chi phí cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Chỉ tiến hành 01 lần xét xử và không phải thực hiện thủ tục quyết định tổng hợp hình phạt đối với nhiều Bản án.

Tuy nhiên, cũng sẽ tồn tại bất cập đó là: bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với hành vi xảy ra tại tại huyện X, tỉnh Y sẽ không thuận tiện trong việc đi lại trong quá trình tham gia tố tụng khi vụ án được các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Z, tỉnh F giải quyết.

Trên thực tế việc hiểu, áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không phải lúc nào cũng thống nhất, mà có nhiều quan điểm khác nhau. Trên đây là trường hợp thực tế chưa có sự thống nhất về việc hiểu quy định cụ thể của một điều luật để áp dụng như thế nào cho đúng pháp luật và mang tính nhân văn khi điều tra, truy tố, xét xử một con người. Rất mong được sự góp ý về quan điểm của bạn đọc về nội dung này.

Vân Anh

Liên kết website

Thông kê truy cập