Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

QUYỀN TRỰC TIẾP GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM, KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ CỦA VIỆN KIỂM SÁT

1.Đặt vấn đề.

Thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát là một hoạt động đặc biệt quan trọng trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Trực tiếp giải quyết nguồn tin về tội phạm là một trong những hoạt động thực hành quyền công tố do vậy Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất được nhân danh Nhà nước thực hiện việc buộc tội phải có quyền trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 

Trong hoạt động thực hành quyền công tố trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát có nhiều quyền như quyền đề ra các yêu cầu kiểm tra xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm thực hiện; Quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra khởi tố vụ án hình sự….trong đó quyền trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là một trong những quyền quan trọng nhất trong hoạt động thực hành quyền công tố, là “chế tài”, là căn cứ bảo đảm cho các quyền yêu cầu khác của Viện kiểm sát khi cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát trong giải quyết nguồn tin về tội phạm. Quyền này phù hợp với xu hướng đổi mới trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát.

Khắc phục một trong những  vướng mắc, bất cập trong thực tiễn của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, Bộ luật TTHS năm 2015, tại Điều 159 khoản 5 BLTTHS năm 2015 quy định Viện kiểm sát có quyền “Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong một số trường hợp do Bộ luật này quy định”. Qui định này cho thấy tầm quan trọng của VKS trong hoạt động thực hành quyền công tố, là cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan có thẩm quyền điều tra được triệt để hơn.

2. Nội dung của quyền trực tiếp giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát.

2.1. Các trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS qui định: “Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan  điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà VKS đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

Với quy định này, nhằm đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều bị phát hiện và xử lý, không bỏ lọt tội phạm, VKS có quyền trực tiếp giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp VKS đều trực tiếp giải quyết mà chỉ trong hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất khi VKS phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cơ quan có thẩm quyền điều tra trong hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được hiểu là “việc cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi tiến hành kiểm tra, xác minh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của nguồn tin về tội phạm”[1].

[1] Điểm 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017.

Việc thực hiện các hoạt động kiểm tra, xác minh thu thập các chứng cứ chứng minh tội phạm được cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định có khả năng dẫn đến việc các chứng cứ đó mất đi giá trị chứng minh tội phạm nếu như VKS không can thiệp ngay bằng việc trực tiếp giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo quan điểm của tôi, đây là trường hợp làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của nguồn tin về tội phạm.

Trường hợp thứ hai khi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh có dấu hiệu để lọt tội phạm và VKS đã có yêu cầu bằng văn bản nhưng cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện.

“Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là việc cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi tiến hành kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhưng không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”[2] mặc dù Viện kiểm sát đã nhiều lần có yêu cầu bằng văn bản.

[2] Điểm 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017

Trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát thấy rằng các căn cứ được thu thập đã đủ chứng minh tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội nhưng cơ quan có thẩm quyền điều tra không ra quyết định khởi tố vụ án mặc dù Viện kiểm sát đã yêu cầu nhiều lần bằng văn bản. Trường hợp này Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm do Cơ quan có thẩm quyền điều tra có dấu hiệu để lọt nói trên theo quan điểm cá nhân tôi phải được hiểu Việc không thực hiện yêu cầu của có thể xuất phát từ nguyên nhân tiêu cực như để bao che người thực hiện tội phạm, hay do quen biết..; hoặc cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân do trái quan điểm đánh giá chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền điều tra với Viện kiểm sát.

2.2.Nội dung.

Khi VKS trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, VKS có đầy đủ các quyền như cơ quan có thẩm quyền điều tra điều tra được quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015. Đó là Viện kiểm sát cũng có quyền thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; tổ chức  khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

Để thu thập các thông tin tài liệu, đồ vật từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra xác minh nguồn tin thì Viện kiểm sát có quyền triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người đại diện của pháp nhân, nhân chứng, bị hại, đương sự; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ; quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế như áp giải, dẫn giải; thực hiện một số hoạt động điều tra như khám xét người; khám chỗ ở, địa điểm phương tiện; thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử; thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông; tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét.

Kết thúc việc kiểm tra, xác minh các căn cứ giải quyết, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định không khởi tố vụ án hình sự và quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015). Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì trong vòng 24 giờ kể từ khi ra quyết định, Viện kiểm sát phải gửi quyết định khởi tố vụ án cùng toàn bộ hồ sơ được thu thập trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến cơ quan có thẩm quyền điều tra để điều tra vụ án (Điều 154 BLTTHS).

3. Khó khăn, thách thức trong thực hiện quyền trực tiếp giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát.

Trong giai đoạn khởi tố vụ án, hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là hoạt động chính trong việc phát hiện, xử lý tội phạm. Quyết định khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án đòi hỏi tính có căn cứ, chính xác cao. Để chứng minh các căn cứ này thì không cách nào khác là phải tiến hành kiểm tra, xác minh đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Hoạt động kiểm tra, xác minh mà thực chất là hoạt động điều tra tiền khởi tố, đòi hỏi người thực hiện phải được đào tạo chuyên sâu về điều tra, có kinh nghiệm, có đủ các cơ sở vật chất cho việc kiểm tra, xác minh. Tuy nhiên cán bộ, kiểm sát viên thuộc các Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện, nơi trực tiếp giải quyết lại không được đào tạo về kỹ năng này, cơ sở vật chất chưa đầy đủ.

   Mặt khác, nhìn vào quy định của BLTTHS năm 2015 về các trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố ta thấy các trường hợp này đều thuộc trường hợp mang ý nghĩa tiêu cực -  “phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cơ quan có thẩm quyền điều tra trong hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hay “cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh có dấu hiệu để lọt tội phạm và VKS đã có yêu cầu nhưng cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện”, có sự phản ứng trái chiều từ phía cơ quan có thẩm quyền điều tra. Trường hợp VKS giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố bằng quyết định khởi tố vụ án hình sự mà theo quy định tại Điều 154 BLTTHS thì Viện kiểm sát phải chuyển vụ án đã được khởi tố cho cơ quan đã để xảy ra vi phạm điều tra như vậy sẽ không đảm bảo tính khách quan, rất dễ dẫn đến việc điều tra sơ sài hay thậm chí có thể kết quả điều tra theo hướng gỡ tội.

   Đây sẽ là một khó khăn đồng thời là cũng là thách thức đặc biệt là trong tình hình hiện nay khi toàn Ngành thực hiện việc tinh giản biên chế nên con người đảm nhận các vị trí, công việc còn thiếu; cơ sở vật chất không đầy đủ, đòi hỏi cán bộ ngành Kiểm sát phải biết vượt qua khó khăn. Công tác cán bộ phải xác định và bố trí các cán bộ, kiểm sát viên có năng lực chuyên môn đúng với sở trường công tác. Trong công tác kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự , cán bộ, kiểm sat viên ngoài việc phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm sát điều tra, gắn công tố với điều tra còn phải tự đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới trong công tác thời gian tới, khi Viện kiểm sát phải trực tiếp giải quyết nguồn tin về tội phạm./.

Hoàng Kim Ngọc - Thanh tra VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập