Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

Nhiệt liệt chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Về án dân sự (I)

1. Thông báo số 132/ TB- VPT2 ngày 21/5/2003 rút kinh nghiệm một số vụ án dân sự cấp phúc thẩm xử huỷ hoặc cải sửa án sơ thẩm.

Từ đầu năm 2003 đến nay, cấp phúc thẩm tại Đà Nẵng đã thụ lý và giải quyết 17 vụ án dân sự sơ thẩm có kháng cáo kháng nghị. Qua đó cho thấy phần lớn án dân sự cấp sơ thẩm điều tra xét xử có căn cứ đúng pháp luật, cấp phúc thẩm xét xử y án sơ thẩm chiếm 70% tổng số các vụ án xét xử phúc thẩm. Tuy vậy, có một số vụ án cấp phúc thẩm xử huỷ hoặc cải sửa cơ bản án sơ thẩm và Viện Phúc thẩm 2 thấy cần thông báo để các VKS địa phương nghiên cứu rút kinh nghiệm chung như sau:

 

 - Vụ tranh chấp quyền sở hữu vách tường nhà giữa nguyên đơn bà Lê Thị Chín với ông Nguyễn Văn Quân.

Án dân sự sơ thẩm số 7 ngày 28/02/2002 của TAND tỉnh Q áp dụng Đ232, Điều 270 BLDS xử: Vách tường liền kề giữa nhà bà Lê Thị Chín và ông Nguyễn Văn Quân ở thôn Phước Thịnh xã Đức Thạnh, huyện M, tỉnh Q là vách tường chung của hai người (Chín, Quân). Giao quyền sở hữu vách tường này cho ông Nguyễn Văn Quân, ông Quân có trách nhiệm trả giá trị 1/2 bức tường cho bà Chín là 552.250đ.

Trong hạn luật định bà Lê Thị Chín kháng cáo không đồng ý quyết định của án sơ thẩm bà yêu cầu quyền sở hữu định đoạt 1/2 vách tường chung.

Ngày 25/3/2003 tại phiên tòa phúc thẩm bà Chín giữ y nội dung kháng cáo. Hai bên cũng không đạt được sự thoả thuận nào khác. Do đó Kiểm sát viên tham gia xét xử phúc thẩm có quan điểm: Án sơ thẩm xác định vách tường liền kề giữa nhà bà Chín và nhà ông Quân là vách tường chung của hai người này là có căn cứ. Song tại Toà án sơ thẩm hai bên không có thoả thuận được nhưng toà án cấp sơ thẩm lại quyết định giao toàn bộ vách tường này cho ông Quân sở hữu là trái với quy định của BLDS và xâm phạm đến quyền sở hữu, định đoạt tài sản của chủ sở hữu (Ba Chín). Mặt khác Toà án cấp sơ thẩm chỉ mới đánh giá tài sản chung để xử theo hướng ông Quân trả bằng tiền cho bà Chín. Chưa điều tra xác minh thực tế vách tường chung có kích thước như thế nào. Do đó đề nghị huỷ án sơ thẩm để điều tra xét xử lại. Tòa Phúc thẩm xử huỷ án sơ thẩm giao hồ sơ cho cấp phúc thẩm điều tra, xét xử lại cho đúng pháp luật.

Qua vụ án này, vấn đề cần rút ra là: Việc nhận thức và áp dụng các điều luật của BLDS về sở hữu tư nhân, sở hữu chung của Toà án cấp sơ thẩm chưa đúng dẫn đến xét xử không phù hợp. Ở vụ án này tài sản sở hữu chung là vách tường trong đó có phần sở hữu của bà Chín và ông Quân. Việc chiếm hữu sử dụng định đoạt tài sản sở hữu chung này do bà Chín hoặc ông Quân quyết định với phần tài sản sở hữu của mình, Toà án không thể quyết định được nếu họ không có thoả thuận.

 

- Vụ kiện đòi nợ vay tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh tại tỉnh Q với bị đơn là ông Đinh Tấn Tăng và Bà Trần Thị Hữu.

Qua tài liệu chứng cứ vụ án thể hiện, ông Đinh Tấn Tăng và bà Trần Thị Hữu vay của chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh Q hai khế ước:

Khế ước số 1 ngày 07/7/1995, vay 100 triệu đồng, lãi suất 1,80%, thời hạn 3 năm, kỳ trả 12 kỳ, mỗi kỳ 3 tháng trả 8.340.000đ tiền gốc. Tài sản thế chấp là xe ôtô tải hiệu IFA biển số 76T 1572, trị giá 160 triệu đồng. Nhưng ông Tăng chỉ trả kỳ 1 là 8.340.000đ và kỳ 2 trả trước 2.800.000đ tiền gốc và 10.422.500đ tiền lãi. Sau đó ông Tăng bà Hữu không trả được nên Ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn là 88.858.000đ, thu giữ xe ôtô nói trên và phát mãi thu nợ được 33 triệu đồng, ông Tăng bà Hữu còn nợ 55.858.000đ. Đến ngày 29/02/1996, vợ chồng ông Tăng vay tiếp của ngân hàng Công thương Q 60 triệu đồng theo khế ước số 28 thời hạn trả nợ hết ngày 09/7/1996. Tài sản thế chấp là nhà đất trị giá 100 triệu đồng. Khế ước này vợ chồng ông Tăng đã trả cho Ngân hàng được 19.879.000đ tiền gốc và 15.522.700đ tiền lãi, còn nợ 40.121.000đ. Như vậy cả hai khế ước chồng ông Tăng còn nợ chi nhánh Ngân hàng Công thương Q là 95.979.000đ tiền gốc và 81.479.000đ tiền lãi. Do đó TAND tỉnh Q đã xử buộc vợ chồng ông Tăng trả cho Chi nhánh Ngân hàng Công thương Q số tiền nợ gốc và lãi nói trên tổng cộng là: 177.485.000đ

Trong hạn luật định ông Đinh Tấn Tăng và Bà Trần Thị Hữu kháng cáo không đồng ý với quyết định của án sơ thẩm, yêu cầu toà án xem xét việc chi nhánh Ngân hàng Công thương Q thu giữ xe ôtô để một năm sau mới phát mãi, xe xuống cấp hư hỏng nên giá trị của xe từ 160 triệu xuống còn 33 triệu đồng, thiệt hại đó là do Ngân hàng nên buộc Ngân hàng khấu trừ vào nợ còn bao nhiêu vợ chồng ông Tăng trả cho Ngân hàng.

Ngày 25/3/2003 cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của vợ chồng ông Đinh Tấn Tăng xử cải sửa án sơ thẩm, buộc Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh tại Q chịu trách nhiệm 60% với khoản thiệt hại của xe ôtô từ giá trị 160 triệu đồng xuống 33 triệu đồng. Sau khi đã tính 15% khấu hao tài sản cố định trong thời gian ông Tăng bà Hữu sử dụng (9 tháng) thì Ngân hàng Công Thương Việt Nam chi nhánh tại Đà Nẵng phải chịu thiệt hại 65.400.000đ. Số tiền này trừ vào nợ khế ước số 1 là 55.858.000đ, còn lại trừ vào tiền gốc của khế ước số 28. Như vậy nợ gốc của khế ước số 28 là 30.579.000đ, tiếp tục tính lãi quá hạn theo quy định của Ngân hàng để buộc vợ chồng ông Tăng trả là 93.050.000đ trong đó tiền gốc 30.579.000đ, lãi 62.472.000đ.

Từ vụ kiện trên cho thấy: Việc xác trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải căn cứ vào mức độ lỗi của các bên. Trường hợp này thì Chi nhánh Ngân hàng Công thương Q thu giữ xe ôtô của vợ chồng ông Tăng vào ngày 08/02/1996 nhưng không thành lập hồi đồng định giá phát mãi tài sản ngay sau khi giữ xe mà để kéo dài đến 26/6/1997 mới phát mãi bán đấu giá xe này được 33 triệu đồng, thiệt hại của chiếc xe giá trị 160 triệu xuống còn 33 triệu đồng có phần lỗi của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Q. Do đó cấp phúc thẩm đã xử buộc Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh tại Đà Nẵng chịu 60% thiệt hại là có căn cứ.

 

- Vụ án ly hôn giữa bà Võ Thị Thu Hồng với Ông Trần Minh Hải.

Bản án hôn nhân sơ thẩm số 4 ngày 12/6/2002 của TAND tỉnh Q áp dụng Điều 32, 90, 92, 94, 95, Luật HNGĐ năm 2000, Điều 238 BLDS xử: Ngoài việc công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Hồng với ông Hải và chia con chung, án sơ thẩm xử về phân tài sản chung như sau: Giao cho ông Trần Minh Hải sở hữu toàn bộ ngôi nhà và đất tại đội 3 thôn Sơn Thô 1 xã Cẩm Châu thị xã Hội An, cùng toàn bộ tài sản khác là vật dụng trong nhà, xe Dream biển số 29K- 6913, và nhà hàng Thanh Châu do ông Hải sở hữu có tổng giá trị 615.022.000đ; ông Hải có trách nhiệm trích trả giá trị trong tài sản chung cho bà Hồng số tiền là 81.958.000đ.

Trong hạn luật định bà Hồng kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm chia tài sản không công bằng, giao toàn bộ nhà, đất, tài sản khác cho ông Hải sở hữu, chỉ nhận phần tài sản bằng giá trị là quá thiệt thòi cho bà. Hiện tại mẹ con bà không có chỗ ở, phải ở nhờ nhà bà con, yêu cầu Toà án phúc thẩm xét xử lại, chia tài sản bằng hiện vật cho bà.

Ngày 24/3/2003 tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên tham gia xét xử có quan điểm: Quá trình điều tra xét xử của cấp sơ thẩm, bà Hồng yêu cầu chia tài sản bằng hiện vật là nhà đất để bà với 1 đứa con chung có chỗ ở, nhưng Toà án cấp sơ thẩm lại chia tài sản cho bà Hồng bằng giá trị là trái với nguyện vọng của bà Hồng, không công bằng, không đảm bảo quyền lợi cho bà Hồng. Vì vậy, yêu cầu kháng cáo của bà Hồng là có căn cứ, cần chấp nhận. Tuy nhiên Toà án cấp sơ thẩm chỉ mới định giá trị tài sản chung để chia bằng tiền, chưa điều tra xác minh thực tế đất ở, nhà ở như thế nào để chia theo hiện vật cho phù hợp. Do đó đề nghị huỷ phần chia tài sản của án sơ thẩm để điều tra xét xử lại theo hướng nêu trên. Tòa Phúc thẩm tại Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo của bà Hồng, xử huỷ phần quyết định về chia tài sản chung và án phí dân sự của bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Sai phạm trên đây của Toà án cấp sơ thẩm là do: Quá trình điều tra, xét xử của Toà án theo định hướng trước là chia tài sản bằng giá trị cho chị Hồng nên việc điều tra xác minh tài sản chung như nhà, đất không cụ thể về diện tích, cấu trúc của nó. Điều này thể hiện việc giải quyết vụ kiện thiếu khách quan và không công bằng. Khi có kháng cáo thì những thiếu sót trên cấp phúc thẩm không thể nào khắc phục được nên phải huỷ để cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại theo thủ tục chung.

Những vụ án nêu trên có sự tham gia xét xử của Kiểm sát viên cấp tỉnh và quan điểm giải quyết vụ án cơ bản như quy định án sơ thẩm. Điều đó cho thấy: Do công tác kiểm sát lập hồ sơ chưa tốt nên không phát hiện được những thiếu sót của Toà án cùng các cấp để yêu cầu điều tra bổ sung, hoặc nghiên cứu hồ sơ vụ án với việc áp dụng các quan hệ pháp luật chưa phù hợp dẫn đến cơ quan điểm giải quyết vụ án chưa đúng. Thiết nghĩ, đây cũng là thiếu sót của công tác kiểm sát giải quyết án dân sự sơ thẩm của một số Viện Kiểm sát địa phương cần rút kinh nghiệm.

 

2. Thông báo số 416/TB-PT2 ngày 4/9/2003 rút kinh nghiệm một số vụ án dân sự cấp phúc thẩm xử huỷ án sơ thẩm.

 

- Vụ kiện vi phạm hợp đồng vay tài sản:

* Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và Bà Lê Thị Nậy

* Bị đơn: Ông Trần Minh Phượng và Bà Nguyễn Thị Minh.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Bà Võ Thị Hoàng Oanh và Ông Nguyễn Danh Hiệu.

Án DSST số 01 ngày 20/1/2003 của TAND tỉnh D căn cứ Điều 137, 146, 444, 467, 471, 473 BLDS;  Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn có trách nhiệm trả cho bà Lan số tiền là 554.942.000đ và trả cho bà Nậy 13,15 lượng vàng 97%.

- Tuyên huỷ hợp đồng mua bán nhà đất số 96A/4 Trần Phú - Nha Trang lập ngày 2/1/1998 giữa vợ chồng ông Phượng với vợ chồng bà Gái. Buộc vợ chồng ông Phượng trả lại số tiền bán nhà đất cho vợ chồng bà Gái là 470.000.000đ. Buộc vợ chồng bà Gái trả lại cho vợ chồng ông Phượng nhà và đất đã mua là 112,77m 2.

- Tuyên huỷ hợp đồng mua bán nhà đất số 96A/4 Trần Phú - Nha Trang lập ngày 26/1/1998 giữa vợ chồng ông Phượng với bà Oanh. Buộc vợ chồng ông Phượng có trách nhiệm trả lại cho bà Oanh 380.000.000đ. Buộc vợ chồng bà Oanh trả lại cho vợ chồng ông Phượng nhà và đất đã mua là 65,77m 2.

- Tuyên huỷ hợp đồng mua bán nhà đất số 96A/4 Trần Phú - Nha Trang giữa vợ chồng ông Phượng với ông Dũng. Buộc vợ chồng ông Phượng trả lại cho ông Dũng 750.000.000đ. Buộc ông Dũng trả lại cho vợ chồng ông Phượng nhà đất đã mua là 105,75m 2.

- Tuyên huỷ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất của UBND tỉnh Khánh Hoà cấp cho vợ chồng bà Gái, vợ chồng bà Oanh và cấp cho ông Dũng.

- Tiếp tục kê biên cấm chuyển dịch toàn nhà và đất thổ cư mang số 96A/4 đường Trần Phú, Thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hoà của ông Phượng và bà Minh để đảm bảo thi hành án.

Sau khi xử sơ thẩm nguyên đơn, bị đơn không kháng cáo nhưng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo về các quyết định của án sơ thẩm có liên quan đến nhà đất số 96A/4 Trần Phú, Nha Trang.

Cấp phúc thẩm xét thấy: Ngôi nhà 96A/4 Trần Phú, Nha Trang đã được toà án nhân dân thành phố Buôn Mê Thuột ra quyết định kê biên vào ngày 28/9/1998 và được TAND tỉnh D xử phúc thẩm vào ngày 23/3/1999 giữ y quyết định kê biên của Toà án sơ thẩm thành phố B tỉnh D. Ngày 15/12/2000 TANDTC xét xử giám đốc thẩm, huỷ toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND thành phố B và TAND tỉnh D giao hồ sơ cho TAND tỉnh D giải quyết lại vụ án từ giai đoạn sơ thẩm. Như vậy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc kê biên và cấm chuyển dịch nhà đất số 96A/4 Trần Phú, Nha Trang cũng bị huỷ bỏ. TAND tỉnh D thụ lý giải quyết lại hồ sơ vụ kiện không có quyết định kê biên mà lại tuyên tiếp tục kê biên cấm chuyển dịch nhà đất số 96A/4 Trần Phú, Nha Trang là không đúng.

Việc các bên mua bán nhà đất giữa vợ chồng ông Phượng với vợ chồng bà Gái, với ông Dũng vào ngày 26/1/1998 (trước khi có quyết định kê biên 10 tháng). Riêng sự thoả thuận vợ chồng ông Phượng giao cho vợ chồng bà Oanh 65, 7m2 đất còn lại của nhà, đất 96A/4 để trừ 380 triệu tiền nợ là sau khi có quyết định kê biên của Toà án nhưng án giám đốc thẩm xử huỷ vào tháng 12/2000. Đến tháng 12/2001 UBND tỉnh Khánh Hoà cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà Gái, vợ chồng bà Oanh và cấp cho ông Dũng là đúng. Mặt khác như phân tích trên quyết định kê biên và cấm chuyển dịch nhà 96A/4 Trần Phú, Nha Trang đã bị huỷ bỏ, các bên tham gia tố tụng trong việc mua bán chuyển nhượng nhà 96A/4 không có ai yêu cầu huỷ bỏ sự thỏa thuận của họ trước đây nhưng án sơ thẩm tuyên huỷ các hợp đồng mua bán chuyển nhượng nhà đất và huỷ giấy chứng nhận quyền nhà ở và quyển sử dụng đất đã được UBND tỉnh Khánh Hoà cấp cho vợ chồng bà Hoàng Thị Gái, vợ chồng bà Võ Thị Hoàng Oanh và cấp cho ông Nguyễn Việt Dũng là không đúng pháp luật.

Do đó Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan xử huỷ một phần bản án sơ thẩm.

 

Qua giải quyết vụ kiện trên đây vấn đề rút kinh nghiệm là:

Toà sơ thẩm khi thụ lý giải quyết lại vụ án (sau khi cấp giám đốc huỷ án) không tuân thủ theo quy định thủ tục dân sự, trong quá trình giải quyết vụ kiện không có quyết định kê biên nhà 96A/4 Trần Phú, Nha Trang, nhưng khi xét xử Toà sơ thẩm lại tiếp tục kê biên cấm chuyển dịch nhà 96A/4 để đảm bảo thi hành án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự. Từ đó dẫn đến các quyết định khác của Toà sơ thẩm có liên quan đến nhà đất số 96A/4 như huỷ các hợp đồng mua bán nhà, huỷ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… như nêu trên là không có căn cứ.

 

- Vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại tài sản:

* Nguyên đơn: Ông Võ Mạo.

* Bị đơn: Trần Minh Đính - Việt Kiều Úc.

Uỷ quyền cho ông Lương Công Nói.

Theo nguyên đơn trình bày: Tháng 4/1979 ông Mạo cùng 5 người đi đánh bắt cá trên biển thì có một nhóm người đi trên một chiếc ghe nhỏ đến bắt trói những người trên ghe của ông đưa xuống ghe nhỏ rồi cướp ghe của ông đi vượt biển. Sau khi về ông có báo với chính quyền địa phương sự việc nhưng không biết ai cướp ghe của ông. Đến năm 1991 ông Nguyễn Nùng người tham gia cướp ghe của ông Mạo đi vượt biển về Việt Nam có cho vợ chồng biết danh sách 6 người cướp ghe của ông lúc đó là Lương Văn Tý, Nguyễn Nùng, Nguyễn Đức Tính, Trần Văn Giang, Trần Minh Đính và ông Nông.

Về phía bị đơn ông Trần Minh Đính trình bày: Năm 1979 ông có đi vượt biển cùng 14 người nhưng ông không biết đi trên ghe của ai, ông không tham gia cướp ghe mà chỉ theo những người tổ chức vượt biên. Năm 1994 và năm 2000 ông về Việt Nam thì vợ chồng ông Mạo đến gặp đòi bồi thường chiếc ghe, vì sợ nên có đưa cho vợ chồng ông Mạo 2 lần tổng cộng là 5000USD. Tháng 12/2001 ông lại về Việt Nam thì vợ chồng ông Mạo tiếp tục đến đòi bồi thường chiếc ghe, ông không chấp nhận nên vợ chồng ông Mạo kiện ra Toà giải quyết.

Qua điều tra xác minh, TAND tỉnh P đã tuyên xử: (Án DSST số 01 ngày 22/5/2002) chấp nhận yêu cầu của vợ chồng ông Võ Mạo buộc ông Trần Minh Đính phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản và khoản mất thu nhập cho vợ chồng ông Mạo là 100.000.000đ (bằng 1/6 tổng số tài sản và mất thu nhập mà 6 người cướp ghe của ông Mạo phải bồi thường) được trừ 2.000.000đ VN và 100 Đô-la Úc mà ông Mạo đã nhận trước đây của Đính.

Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 27/5/2002 đại diện theo uỷ quyền của ông Trần Minh Đính là ông Lương Công Nói kháng cáo yêu cầu xét xử vụ án.

Ngày 18/7/2003 Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã xử huỷ toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Phú Yên tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra vì không đảm bảo chứng cứ.

Cụ thể là: Toà sơ thẩm chưa điều tra xác định chiếc ghe của ông Mạo giá trị sử dụng còn bao nhiêu, theo ông Mạo khai ông đóng mới chiếc ghe này vào năm 1972 dài 13-14m đến năm 1979 thì bị mất. Như vậy ghe của ông Mạo đã sử dụng qua 7 năm nhưng Toà sơ thẩm căn cứ vào thông báo của Sở tại chính vật giá để áp giá theo loại ghe mới 100% là không đúng thực tế khách quan. Trong khi đó cơ sở để xác minh là người trong địa phương, chính quyền sở tại, cơ quan đăng kiểm để xác minh chiếc ghe máy thuỷ của ông Mạo còn lại giá trị bao nhiêu nhưng Toà sơ thẩm không tiến hành điều tra làm rõ.

Các tài sản ngư lưới cụ khác bị mất do những người vượt biên cướp đi, Toà sơ thẩm cũng chưa điều tra xác minh mà chỉ dựa vào lời khai ông Mạo là giá trị ngư lưới cụ bị mất là 11 triệu đồng để buộc bị đơn bồi thường là chưa phù hợp.

Về khoản thu nhập Toà sơ thẩm xác định ghe ông bị cướp vượt biên mất thu nhập mỗi tháng 4 triệu đồng với thời gian 15 năm, trong khi đó ông Mạo sinh năm 1927 lúc kiện ra Toà sơ thẩm (2001) là 74 tuổi, như vậy năm 1979 bị mất ghe ông Mạo là 52 tuổi, còn 8 năm nữa là ông Mạo 60 tuổi. Mặt khác mức thu nhập của những người đi biển có ghe cùng kích cỡ và công suất như ông Mạo khai khác nhau nhưng Toà sơ thẩm tự ấn định số tiền mất thu nhập với thời gian như trên là thiếu cơ sở vững chắc.

Qua vụ án này cho thấy: Đây là vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về tài sản nên việc điều tra xác minh để xác định tài sản bị thiệt hại một cách có căn cứ là yếu tố quyết định giải quyết vụ án, nhưng Toà sơ thẩm chưa làm đầy đủ hoặc áp đặt dẫn đến việc xét xử không đảm bảo thực tế khách quan. Do đó Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng hủy toàn bộ hồ sơ thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu là có căn cứ.

Trên đây là hai trường hợp có tính chất điển hình trong việc giải quyết các vụ án dân sự, Viện Phúc thẩm 2 thấy cần thông báo để các VKS tỉnh, thành phố rút kinh nghiệm chung; nhằm thực hiện tốt công tác kiểm sát lập hồ sơ và KSXX sơ thẩm án dân sự trong thời gian tới.

 

 3. Thông báo số 914/PT3 ngày 26/10/2004 rút kinh nghiệm v/v kiểm sát việc giải quyết án dân sự đạng tranh chấp  “Đòi nhà cho ở nhờ”

Thông qua KSXX phúc thẩm vụ kiện tranh chấp “Đòi nhà cho ở nhờ” giữa: Nguyên đơn La Thị Ba; Bị đơn Huỳnh Ngọc Hải. Viện Phúc thẩm 3 thông báo đến các đồng chí một số vấn đề cần rút kinh nghiệm chung.

Nội dung vụ án:

TAND tỉnh X quyết định: Ông Huỳnh Ngọc Hải và bà Huỳnh Thị Minh cùng gia đình phải trả cho bà La Thị Ba và các thừa kế của ông Võ Văn Lắm căn nhà 256/10A- 10B đường Phạm Văn Chí và diện tích đất xung quanh nhà theo biên bản xác minh ngày 17/12/2003 của Toà án… Thời gian trả nhà 3 tháng tính từ 01/03/2004.

Bác yêu cầu của ông Hải, bà Hằng đòi bà Ba và các thừa kế của ông Lắm phải trả tiền nâng nền nhà và lợp mái nhà.

Bà Ba và các thừa kế của ông Lắm phải trả ông Hải, bà Hằng tiền xây cất nhà trọ là 13.250.000đ.

(Ngoài ra, bản án còn ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn thuê nhà cho bị đơn và án phí…).

Sau khi xét xử sơ thẩm: Nguyên đơn kháng cáo không đồng ý bồi thường 13 triệu.

Bị đơn kháng cáo xin xét xử lại.

Án phúc thẩm số 213/DSPT ngày 28/7/2004 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên xử: Hủy bản án dân sự số 287/DSST ngày 1/3/2004 của TAND tỉnh X để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung.

 

Những thiếu sót của toà sơ thẩm:

* Về căn nhà 256/10A - 10B đường Phạm Văn Chí: Căn cứ giấy phép số 1195/GP-UBND ngày 10/12/1990 của UBND…, Quận… cho phép ông Võ Văn Lắm và bà La Thị Ba hợp thức hoá căn nhà 256/10A-10B đường Phạm Văn Chí với đặc điểm:

- Loại nhà: Nhà phố cấp 3, cấu trúc nhà trệt + gác gỗ.

- Diện tích xây dựng: 35, 32m2; Diện tích sử dụng 70,64m2.

- Vách bằng: Gạch + Tole; Mái lợp: Tole.

Các bên tranh chấp đều thừa nhận có việc cho ở nhờ và việc ở nhờ, với diện tích 75m2 . Nhưng án sơ thẩm lại tuyên buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn căn nhà 256/10A-10B và diện tích đất xung quanh nhà theo biên bản xác minh của Toà án.

Nhận xét: Toà sơ thẩm buộc bị đơn phải trả nhà 256/10A-10B đường Phạm Văn Chí là đúng nhưng tuyên trả luôn phần đất xung quanh hơn 200m2 trong khi chưa điều tra xác minh làm rõ đất này có thuộc quyền sử dụng của ông Lắm bà Ba hay không là chưa đủ căn cứ pháp lý.

Theo ông Hải đã khai là tự lấn chiếm đất ao. Còn bà La Thị Ba khai tại biên bản xác minh ngày 17/12/2003: Thửa đất trống bên hông nhà có từ trước đến nay thuộc 256/9 của bà Võ Thị Hoa, không phải là ao vũng san lấp thành.

* Về việc sửa chữa nhà: Lớp Tole, nâng nền: Nhân chứng Võ Văn Tân (em ruột ông Võ Văn Lắm) khai Hải có nâng nền 2 lần vào 1988-1989 và 1994, và thay Tole một lần, nhưng chi phí do ông Lắm chi. Còn Hải khai do ông chi việc này. Cấp sơ thẩm cũng không điều tra làm rõ.

Về việc tháo dỡ nhà trọ:

- Ông Hải khai do phía nguyên đơn đến tháo dỡ làm hư hại vào lúc 9 giờ sáng ngày 2-10/2003, ông có trình báo địa phương, và 9h45 có Công an khu vực, nhân viên nhà đất phường đến xem xét. Việc này cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ.

- Còn nhân chứng Võ Văn Tân khai nhà trọ do ông Hải tự tháo bỏ.

 

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình kiểm sát và giải quyết vụ án dân sự:

Đối với dạng tranh chấp nhà cho ở nhờ cũng như các tranh chấp khác về nhà, đất cần yêu cầu Toà án điều tra làm rõ về nguồn gốc nhà đất bao gồm cả vấn đề: Diện tích nhà, diện tích đất và tính hợp pháp của tài sản để đảm bảo xét xử đúng đắn, khách quan; không làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của người khác.

- Đối với việc sửa chữa nhà, cũng như các thiệt hại khác cần điều tra, xác minh đầy đủ cả các quan hệ phát sinh để xác nhận đúng sự thật khách quan để tuyên xử chính xác, không để oan cho những người tham gia tố tụng.

Trong vụ án này, quá trình kiểm sát việc giải quyết án Kiểm sát viên không phát hiện được các thiếu sót của Toà án như đã nêu trên, nên đã không kịp thời yêu cầu Toà án điều tra làm rõ. Mặt khác sau khi KSXX sơ thẩm cũng không phát hiện các thiếu sót của án sơ thẩm để kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. Vì vậy, cấp phúc thẩm phải huỷ án để điều tra xét xử lại.

 

4. Thông báo số 230/ TB-VPT2 ngày 21/7/2005 rút kinh nghiệm nghiệp vụ.

Ngày 9/5/2005 Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án dân sự kiện quyền sở hữu nhà giữa:

Nguyên đơn: Ông Nguyễn Vận, uỷ quyền cho ông Nguyễn Văn Quế, sinh năm 1960, trú tại tổ 4, khu vực 1 - phường Thị Nại - TP. Q - tỉnh B.

Bị đơn: Ông Võ Thế Hoà, sinh 1956 (Việt kiều Úc) tạm trú tại: 5 Vũ Bão - Phường Ngô Mây - TP. Q - tỉnh B. Có đơn yêu cầu xử vắng mặt vì không về Việt Nam để tham gia phiên toà được.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Phượng Nhi (1959) trú tại: 159 - Đống Đa - TP. Q - tỉnh B.

Luật sư Ngô Xuân Đào, Văn phòng Luật sư Phan Lâu, Đoàn luật sư tỉnh Bình Định bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn Nguyễn Vận, có mặt. Nội dung vụ án như sau:

Nguyên đơn: Ông Nguyễn Vận trình bày: ông với bà Nguyễn Thị Cựu (mẹ của Võ Thế Hoà) sống chung với nhau từ năm 1965 tại phường Trung Ái, Khóm Á Hiệp, nay là tổ 35, khu vực 7, phường Đống Đa, TP. Q - tỉnh B. Trong giấy tờ kết hôn ông với bà Cựu ghi năm 1955 là mục đích tính thời gian cho vợ ông ăn theo chế độ của ông; vì lúc đó ông làm Sở Mỹ. Vì nhà vợ chồng sống gần mương nước bị sập nên năm 1993 vợ chồng mua đất của ông Phan Ba để xây dựng nhà. Việc xây dựng nhà do ông đứng ra thuê người xây nhà. Vì lúc đó vợ ông thường lên Gia Lai mua bán không thường xuyên ở nhà. Đến năm 1996 vợ chồng mâu thuẫn do vợ ông mê tín làm đồng bóng nên những lúc mâu thuẫn ông bỏ về nhà con của ông sống một thời gian, nghe con khuyên can ông lại về sống với bà Cựu cho đến tháng 01/2003 vợ ông chết. Đầu năm 2004 ông Võ Thế Hoà về nước đuổi ông ra khỏi nhà và khoá cửa treo bảng bán nhà. Nay ông yêu cầu Toà chia cho ông 1/2 ngôi nhà.

Bị đơn: Ông Võ Thế Hoà trình bày: cha tôi là ông Võ Thế Cự, mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Cựu. Năm 1964 cha tôi có vợ hai là bà Nguyễn Thị Dư nên mẹ tôi không sống chung với cha tôi từ năm 1965 và bà ra cất nhà ở riêng một mình, đến năm 1983 mẹ tôi mua đất của ông Phan Ba rồi cất nhà ở đến tháng 1/2003 mẹ tôi ốm rồi qua đời. Trước khi mẹ tôi qua đời bà có di chúc để lại ngôi nhà đất của mẹ tôi cho tôi trọn quyền sở hữu. Nay ông Nguyễn Vận tranh chấp của tôi 1/2 là không có căn cứ. Còn ông Vận nói ông với mẹ tôi là vợ chồng có hôn thú từ năm 1955 là vô lý. Bởi lúc này mẹ tôi sống hạnh phúc với cha tôi (ông Cự) và bà sinh tôi vào năm 1956. Hơn nữa, nếu ông Vận nói ông với bà Cựu (mẹ tôi là vợ chồng) sao khi mẹ tôi ốm đau, qua đời (trong lúc tôi còn ở xa chưa kịp về) ông Vận không lo cho mẹ tôi tang lễ, hậu sự, xây mồ mả của mẹ tôi, tôi đều lo hết. Nay tôi không đồng ý chia nhà và đất cho ông Nguyễn Vận.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Chị Nguyễn Phượng Nhi trình bày: Chị là vợ của anh Hào là em của anh Hoà (anh Hoà với chồng chị là anh em cùng cha khác mẹ) nên khi anh Hoà ở nước ngoài (bà Cựu) đau ốm chị đều đến chăm lo, lúc chết cũng có chị đến còn anh Hoà thì đang ở Úc chưa về kịp, nên chị chi lo hậu sự cho mẹ anh Hoà (bà Cựu), sau tang lễ anh Hoà đã thanh toán lại cho chị xong. Còn việc nhận tiền giải toả nhà đất của bà Cựu là chị nhận trực tiếp với số tiền là 30.524.000đ và chị đã chuyển lại số tiền đó cho anh Hoà sở hữu.

Với những nội dung nêu trên, tại bản án dân sự sơ thẩm số 10/DSST ngày 24/9/2004 TAND tỉnh B đã căn cứ vào khoản 2 Điều 286, Điều 641; khoản 2 Điều 653; khoản 3 Điều 690; Điều 738 BLDS nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 và tại điểm a khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ dân sự. Tuyên xử:

 - Bác đơn yêu cầu của ông Nguyễn Vận nại chia 1/2 nhà và đất của bà Nguyễn Thị Cựu vì không có căn cứ pháp luật.

 - Công nhận nhà và đất có diện tích cũ là 129,6m2 do Nhà nước giải toả làm đường hết 53,2m2, hiện chỉ còn 76,4m2 là thuộc sở hữu hợp pháp của bà Nguyễn Thị Cựu, Trước khi chết bà Cựu có lập di chúc để lại cho con trai là Võ Thế Hoà, người được thừa kế hợp pháp.

 - Buộc anh Võ Thế Hoà (đã uỷ quyền cho Chị Nguyễn Nhi có nghĩa vụ giao lại cho ông Nguyễn Vận: 15.262.000đ - tiền công sức của ông Nguyễn Vận). Theo đó bác lời nại của anh Hoà về việc không đồng ý giao cho ông Vận 15.262.000đ vì không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngày 05/10/2004 anh Võ Thế Hoà kháng cáo, không đồng ý với bản án sơ thẩm.

Ngày 6/10/2004, ông Nguyễn Vận kháng cáo yêu cầu xét xử lại vụ án.

Ngày 6/10/2004 VKSND tỉnh B kháng nghị bản án sơ thẩm yêu cầu phúc thẩm xử theo hướng cải sửa án sơ thẩm xác định hôn nhân thực tế giữa ông Vận- Bà Cựu để chia tài sản của vợ chồng khi 1 bên đã chết, giao nhà đang tranh chấp cho ông Vận sở hữu, ông Vận thanh toán 1/2 giá trị nhà sau khi trừ mai tang phí bà Cựu cho anh Hoà.

Xét thấy kháng cáo của ông Vận và kháng nghị của VKSND tỉnh B nêu trên là không phù hợp, không có cơ sở để chấp nhận. Do vậy tại phiên Tòa Phúc thẩm, đại diện Viện Phúc thẩm 2 đã kết luận: Không công nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Vận, nhà đất thuộc sở hữu của bà Cựu, anh Hoà không có nghĩa vụ giao cho ông Vận 15.262.000đ. Rút kháng nghị và bác kháng cáo, chỉ chấp nhận kháng cáo của anh Hoà.

Quan điểm trên được Tòa Phúc thẩm TANDTC  tại Đà Nẵng chấp nhận

 

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

* Về hôn nhân:

Trong vụ án này ông Nguyễn Vận không được pháp luật công nhận là chồng của bà Nguyễn Thị Cựu mẹ anh Võ Thế Hoà vì đến ngày khởi kiện (10/12/2003) ông Vận bà Cựu không có đăng ký kết hôn hợp pháp. Đồng thời theo quy định của pháp luật thì không có cơ sở thừa nhận giữa bà Cựu và ông Vận có hôn nhân thực tế, nhất là giữa 2 người không có con chung với nhau.

* Về tài sản:

Không có căn cứ chứng minh ông Nguyễn Vận có đưa tiền bà Cựu để bà Cựu mua nhà và đất nói trên và cũng không có căn cứ chứng tỏ ông Vận có bỏ tiền cùng bà Cựu xây dựng nhà trên lô đất này. Mà toàn bộ tài sản nhà, đất… nói trên là thuộc quyền sở hữu của bà Cựu, ông Vận không có liên quan gì đến khối tài sản này, nên không có quyền khởi kiện.

Vì vậy: Lẽ ra Toà án cấp sơ thẩm phải trả lại đơn khởi kiện của ông Nguyễn Vận đồng thời có văn bản ghi rõ lý do trả đơn lại (theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự nay là điểm b khoản 1, 2 Điều 168 BLTTDS)  do không có quyền khởi kiện.

Tuy có nhận định: Không có cơ sở để công nhận giữa ông Nguyễn Vận với bà Nguyễn Thị Cựu là vợ chồng hợp pháp và không có căn cứ pháp lý để xác nhận ông Vận có cùng mua đất và cất nhà ở với bà Cựu nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn thụ lý vụ án để giải quyết và mặc dù đã tuyên bác đơn yêu cầu của ông Nguyễn Vận đòi chia 1/2 nhà và đất của bà Nguyễn Thị Cựu vì không có căn cứ pháp lý, án sơ thẩm vẫn tuyên buộc ông Võ Thế Hoà (đã uỷ quyền cho chị Nguyễn Phượng Nhi) có nghĩa vụ giao lại cho ông Nguyễn 1/2 tiền nhà nước giải toả đền bù nhà và đất của bà Cựu cho ông Vận là 15.262.000đ, điều đó là trái với Điều 173, 176, 233, 238, 679 BLDS. Đồng thời trái với khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 9/3/2005 anh Nguyễn Văn Quế (đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Nguyễn Vận) xin rút đơn khởi kiện. Song không được anh Hoà (bị đơn) và Toà án chấp nhận. Điều đó càng chứng tỏ ông Nguyễn Vận là người không có quyền khởi kiện vì tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là không có căn cứ và hợp pháp.

Viện Phúc thẩm 2 xin thông báo để các đơn vị cùng rút kinh nghiệm trong việc giải quyết án dân sự.

 

Ghi chú: Một số địa danh nơi xảy ra và giải quyết vụ việc đã được Ban biên tập thay đổi.

Nguồn: Trích cuốn: "Tuyển chọn thông báo rút kinh nghiệm, kiến nghị nghiệp vụ của các Viện phúc thẩm"

Chủ biên: TS. Dương Thanh Biểu

Sách của: NXB Tư Pháp năm 2009

VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập