Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Vướng mắc từ việc áp dụng quy định tại Khoản 2- Điều 139-BLTTDS khi kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.


Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự được hiểu là biện pháp do Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nói chung nhằm tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành bản án. Vì vậy, biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý là đảm bảo cho việc giải quyết vụ án; cho việc thi hành các bản án, quyết định dân sự được thực hiện trên thực tế mà nó còn có ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội, bởi cùng với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng chính là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần bảo vệ một cách vững chắc đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đã được cơ quan xét xử thừa nhận.

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án phải tuân thủ các quy định mang tính điều kiện do pháp luật quy định. Cụ thể tại Điều 133-BLTTDS quy định người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi đơn yên cầu đến Tòa án, nêu rõ các nội dung được quy định tại khoản 1, trong đó có lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và quan trọng là tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án những chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó; trường hợp yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại các khoản 6,7,8,10,11,15, và 16-Điều 114-BLTTDS thì người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của Tòa án nhằm bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng như ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biên pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. 

Đồng thời, tại mục 1.2, phần 1- Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định các điều kiện để yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, như:
để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đ­ương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết và cần phải đ­ược giải quyết ngay, nếu không được giải quyết sẽ ảnh h­ưởng xấu đến đời sống, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm... của đương sự; để bảo vệ chứng cứ trong tr­ường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được; để bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục đ­ược, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối t­ượng hiện có liên quan đến vụ án đang được Tòa án giải quyết; để bảo đảm việc thi hành án tức là làm cho chắc chắn các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án đ­ược thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án”.

Tại mục 2.1, phần 2- Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định “ Chỉ khi có đầy đủ các điều kiện sau đây đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện (đơn khởi kiện phải được làm theo đúng quy định tại Điều 164 của BLTTDS) thì cá nhân, cơ quan, tổ chức mới có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 102 của BLTTDS: Do tình thế khẩn cấp, tức là cần phải đ­ược giải quyết ngay, không chậm trễ; cần phải bảo vệ ngay bằng chứng trong tr­ường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập đ­ược; ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (có thể là hậu quả về vật chất hoặc phi vật chất)”.

Những quy định trên cho thấy để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phía đương sự yêu cầu và cả Tòa án đều phải tuân thủ và thực hiện theo trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ do pháp luật tố tụng dân sự quy định. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế- xã hội phát triển như hiện nay, khi mà các tranh chấp dân sự trong xã hội dường như trở nên quá phổ biến thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng đang trở nên có khuynh hướng bị lạm dụng từ nhiều phía - Đó có thể từ phía cá nhân có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cũng có thể từ chính chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp này là cơ quan Tòa án. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp cá nhân yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng với quy định của pháp luật, nghĩa là không đủ điều kiện để thực hiện yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, như: trường hợp cá nhân yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản không phải thuộc sở hữu của người có nghĩa vụ đối với người yêu cầu hoặc cấm chuyển dịch quyền sở hữu về tài sản đối với cả phần tài sản mà các bên đương sự không có tranh chấp hoặc thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với người không có nghĩa vụ đối với người yêu cầu… Thực tế cũng cho thấy có không ít trường hợp Tòa án tiến hành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền, về điều kiện áp dụng hoặc về đối tượng áp dụng… đã gây thiệt hại cho đương sự bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính đương sự trong vụ án đó. Đã có trường hợp cá nhân là Việt kiều là đương sự trong vụ án tranh chấp quyền sở hữu về tài sản giữa nguyên đơn với bị đơn, họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan do có liên quan đến giao dịch chuyển nhượng quyển sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nhưng đã bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh, mặc dù trong vụ án này nguyên đơn và bị đơn đều không có yêu cầu người có quyền, nghĩa vụ liên quan phải thực hiện nghĩa vụ đối với họ. Vì vậy, việc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này là không đúng theo quy định tại mục 1.2, phần 1-Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “Biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật tố tụng dân sự. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại, quyền được sống ở nơi mình mong muốn, quyền làm ăn, kinh doanh…ở nước ngoài của cá nhân và tất yếu gây ra nhiều thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tương ứng với thời gian họ bị cấm xuất cảnh.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự trong vụ án dân sự thuộc trường hợp Toà án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, BLTTDS quy định đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Toà án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 140 trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày đương sự hoặc Viện kiểm sát nhận được Quyết định áp dụng thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và Chánh án Toà án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị của đượng sư, Viện kiểm sát trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị. Quy định về thời hạn thực hiện quyền khiếu nại, kiến nghị của đương sự, Viện kiểm sát cũng như thời hạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Toà án đang giải quyết vụ án cho thấy tính nhanh chóng, kịp thời đối với việc xem xét lại việc áp dụng thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm có thể hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra (nếu có) khi Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự.

Do đó, trong trường hợp cho rằng Toà án áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, đương sự phải thực hiện quyền khiếu nại đối với việc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi cho mình. Muốn vậy, họ phải gửi đơn khiếu nại trình bày về việc Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án là không đúng pháp luật. Cùng với việc gửi đơn khiếu nại đến Tòa án, đương sự cần gửi đơn đến Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát kiểm sát đối với Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cũng như kiểm sát việc giải quyết khiếu nại của Tòa án cùng cấp đối với khiếu nại của đương sự, vì thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp Tòa án cũng chưa thực hiện đúng quy định tại Khoản 2-Điều 139-BLTTDS về việc gửi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2-Điều 139-BLTTDS Tòa án chỉ phải gửi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Viện kiểm sát cùng cấp mà không kèm theo bất kỳ tài liệu nào. Quy định này đã tạo nên rào cản pháp lý, làm hạn chế việc thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát đối với việc kiểm sát loại quyết định này. Bởi, như đã phân tích ở trên, việc Toà án áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời phải tuân thủ trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật tố tụng dân sự hiện hành quy định thì việc Khoản 2- Điều 139-BLTTDS quy định Tòa án chỉ gửi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Viện kiểm sát mà không quy định gửi kèm các tài liệu liên quan đến việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có tại hồ sơ vụ án thì Viện kiểm sát cũng không thể xác định một cách chính xác Tòa án có đảm bảo các thủ tục khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật hay không cũng như xác định quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án ban hành có căn cứ hay không dẫn đến không thực hiện phát hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có vi phạm pháp luật để kịp thời thực hiện việc kiến nghị, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Đây chính là vướng mắc của ngành kiểm sát nói chung cũng như của Viện kiểm sát cấp tỉnh và huyện nói riêng trong quá trình kiểm sát việt giải quyết các vụ án dân sự mà Toà án có áp dụng, thay đổi, huỷ bó biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Vì vậy, từ thực tiễn vướng mắc trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự; đồng thời với ý nghĩa đặt biệt của biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các vụ án dân sự ở giai đoạn vụ án chuẩn bị xét xử, Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nói chung không chỉ đảm bảo vụ án được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật mà còn đảm bảo cho phán quyết của Tòa án được thực thi trên thực tế, góp phần bảo vệ một cách hữu hiệu quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, thiết nghĩ cần kiến nghị sửa đổi quy định tại Khoản 2-Điều 139- BLTTDS theo hướng quy định Toà án đã áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời gửi ngay Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời kèm theo các tài liệu liên quan đến việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Viện kiểm sát để thực hiện chức năng kiểm sát. Có như vậy mới phần nào hạn chế những sai sót của Toà án trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nói chung, góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu và người bị áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Ngọc Thuận

Liên kết website

Thông kê truy cập