Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp huyện Khánh Sơn

Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, có những quyền hạn độc lập, ràng buộc với nhau. Bên cạnh việc phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của mình; các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và kiểm soát lẫn nhau để tránh lạm dụng quyền lực khi thực thi chức năng, nhiệm vụ trong thực tiễn đời sống xã hội. Đồng thời, quan hệ phối hợp giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp đã nhấn mạnh: “Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của từng cơ quan, không hữu khuynh hoặc đùn đẩy trách nhiệm”.

Công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp huyện Khánh Sơn
Ảnh: Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp 

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của quan hệ phối hợp với các cơ quan tư pháp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn luôn quan tâm đến việc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp trên địa bàn huyện; coi quan hệ phối hợp vừa là mục tiêu công tác cần đạt được, đồng thời là biện pháp để nâng cao chất lượng công tác. Có thể nói, hầu hết các lĩnh vực công tác đều đã có các quy định về quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với cơ quan tư pháp. Các quy định nói trên đã phát huy tác dụng, hỗ trợ cho Viện kiểm sát trong việc thực hiện tốt các chỉ tiêu công tác, khắc phục các hạn chế, tồn tại, nâng cao chất lượng các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Trong thời gian qua, để xây dựng và thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn đã thực hiện các biện pháp sau:

Một là, tích cực tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng địa phương trong quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp. Khi có khó khăn vướng mắc về đường lối xử lý các vụ việc hoặc những vụ việc nhạy cảm, phức tạp cần kịp thời báo cáo, đề nghị cấp ủy Đảng cùng cấp chủ trì cuộc họp lãnh đạo liên ngành tư pháp để thống nhất giải quyết.

Công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp huyện Khánh Sơn
Ảnh: Phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm

Hai là,  chủ động xây dựng, ký kết các Quy chế phối hợp với các cơ quan tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn đã chủ trì ký kết với các cơ quan tư pháp cùng cấp: Tòa án, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Chi cục Thi hành án dân sự các quy chế phối hợp, cụ thể: quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận giải quyết nguồn tin tội phạm và giải quyết án hình sự, quy chế phối hợp trong giai đoạn truy tố và xét xử vụ án hình sự, quy chế phối hợp trong việc Tòa án giao, gửi Bản án, Quyết định, ra Quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án, gửi các quyết định thi hành án hình sự, quy chế phối hợp trong thi hành án dân sự, quy chế phối hợp trong giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật; quy chế phối hợp trong giải quyết khiếu nại tố cáo, quy chế phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tội phạm của Công an cấp xã.

Trong quá trình chủ trì việc xây dựng và ký kết các loại quy chế phối hợp, Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn xác định nguyên tắc cơ bản, cốt lõi trong thiết lập và xây dựng, củng cố quan hệ phối hợp với các cơ quan tư pháp: Phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; khắc phục các biểu hiện cực đoan trong phối hợp hoặc nhấn mạnh quan hệ phối hợp mà coi thường tính độc lập trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan hoặc ngược lại, chỉ thấy tính độc lập mỗi cơ quan mà không quan tâm đến quan hệ phối hợp; quan hệ phối hợp phải được xây dựng trên cơ sở các quy định, quy chế liên ngành hoặc đa ngành; quan hệ phối hợp phải góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trên cơ sở thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng.

Thường xuyên tổ chức sơ kết, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng quy chế phối hợp mới phù hợp với các nội dung của văn bản pháp luật và tình hình thực tế. Từ năm 2022 đến năm 2024, đã tiến hành sơ kết 07 lượt các loại quy chế phối hợp. Qua công tác sơ kết quy chế, đã tập trung chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong việc thực hiện công tác phối hợp, từ đó liên ngành đề ra các biện pháp để giải quyết, tăng cường công tác phối hợp.

Ba là, Lãnh đạo Viện kiểm sát cùng lãnh đạo các cơ quan tư pháp luôn quan tâm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức của từng Ngành về vị trí, vai trò của công tác phối hợp trong việc thức hiện nhiệm vụ được giao, để cán bộ, công chức xác định trách nhiệm cụ thể của mình trong việc phối hợp. Quán triệt các nội dung quy chế phối hợp cho cán bộ, công chức. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Kiểm sát viên và cán bộ, công chức của các cơ quan tư pháp trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Ngay khi được phân công, Kiểm sát viên, cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp phải cùng phối hợp nắm nội dung vụ việc và phối hợp để cùng thực hiện những thao tác nghiệp vụ theo quy định của từng Ngành, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Quá trình giải quyết nếu có khó khăn, vướng mắc, phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo các cơ quan để trao đổi, họp bàn thống nhất hướng, biện pháp giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh những quy định thành văn về quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Lãnh đạo Viện kiểm sát huyện có quan hệ phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo các cơ quan tư pháp, thường xuyên trao đổi thông tin, bàn bạc việc giải quyết những vụ việc, các vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Từ năm 2022 đến năm 2024, đã chủ trì tổ chức 10 lượt họp liên ngành để giải quyết khó khăn vướng mắc trong giải quyết các vụ việc.

Bốn là, nâng cao tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Ngay từ khi được phân công, Kiểm sát viên phải xác định rõ quan hệ giữa Kiểm sát viên và cán bộ, công chức cơ quan tư pháp là quan hệ phối hợp, cùng chung nhiệm vụ, đó là: Làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ việc, việc giải quyết phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Kiểm sát viên phải thường xuyên phối hợp, trao đổi những nội dung vụ việc, những vướng mắc trong suốt quá trình giải quyết. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên phải chú trọng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật và Chỉ thị, quy chế của Ngành kiểm sát nhân dân. Trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc cần phải kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện để xin ý kiến chỉ đạo. Khi phát hiện vi phạm, có biện pháp tác động phù hợp như  yêu cầu khắc phục vi phạm, hoặc tham mưu Lãnh đạo ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm, kháng nghị.

Có thể khẳng định, việc xây dựng, củng cố quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các công tác thực hiện chức năng của ngành Kiểm sát tại địa phương cũng như công tác của các cơ quan tư pháp; góp phần tích cực nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương dưới sự Lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.

VKSND huyện Khánh Sơn

Liên kết website

Thông kê truy cập