Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Điều kiện để áp dụng quy định tại Điều 59-BLDS về quản lý tài sản của người được giám hộ khi người được giám hộ là người chưa thành niên

Thực tiễn kiểm sát đối với các vụ án dân sự, nhất là loại án tranh chấp về di sản thừa kế cho thấy rất nhiều trường hợp đương sự là người chưa thành niên được thừa hưởng các quyền, lợi ích về tài sản. Họ có thể là người được nhận di sản của người chết để lại theo di chúc hoặc được thừa kế di sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do họ là người chưa thành niên nên theo quy định của pháp luật, việc giải quyết các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của họ, nhất là các quyền, lợi ích về tài sản phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các nội dung do pháp luật quy định, như: xác định người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ cho họ; xác định người giám sát việc giám hộ của người giám hộ đối với họ; xác định tài sản của họ được thừa hưởng; xác định việc quản lý tài sản của người được giám hộ như thế nào… Đây là những nội dung cơ bản, cần lưu ý khi giải quyết đối với vụ án dân sự có đương sự là người chưa thành niên, nhất là các vụ án về tranh chấp di sản thừa kế có đương sự được hưởng thừa kế là người chưa thành niên. Vì vậy, quá trình giải quyết vụ án có đương sự là người chưa thành niên có các lợi ích về tài sản, đòi hỏi Kiểm sát viên phải nắm vững các nội dung trên. Trong giới hạn bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến phạm vi điều kiện để áp dụng quy định tại Điều 59-BLDS về quản lý tài sản của người được giám hộ khi người được giám hộ là người chưa thành niên trong các vụ án dân sự, nhất là các vụ án tranh chấp về di sản thừa kế.

Như chúng ta đã biết, Bộ luật dân sự (BLDS) hiện hành quy định “người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi” (Điều 21-BLDS năm 2015). Khái niệm “người chưa thành niên” trong pháp luật dân sự được phân loại theo độ tuổi, trong đó người chưa đủ sáu tuổi không được thực hiện các giao dịch dân sự; người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, phù hợp với lứa tuổi; người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được xác lập, thực hiện các giao dịch, trừ các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Như vậy, việc xác định tính hợp pháp đối với các giao dịch dân sự do người chưa thành niên thực hiện được pháp luật dân sự quy định cụ thể tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 21-BLDS. Theo đó, đối với các giao dịch dân sự của người dưới sáu tuổi và các giao dịch dân sự của người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi không nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi thì việc xác lập, thực hiện giao dịch phải thông qua người đại diện theo pháp luật; đối với các giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và các giao dịch khác theo quy định của luật thì phải được người đại diện theo pháp luật của họ đồng ý. Trong khi, đối với vụ án dân sự thuộc loại tranh chấp di sản thừa kế cho thấy, hầu hết di sản do người chết để lại phần lớn là bất động sản, như:  nhà cửa, đất đai, ruộng vườn… và tài sản thường tồn tại dưới các dạng như; tiền, vàng, các loại giấy tờ có giá… cho thấy đối tượng mà các bên đương sự hướng đến trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế thường là các tài sản có giá trị mà theo quy định của pháp luật phải thực hiện việc đăng ký hoặc nếu là tài sản cũng không thuộc đối tượng người chưa thành niên được phép tự xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà đối với các loại tài sản này phải có sự đồng ý của người đại diện của người chưa thành niên. Điều này đòi hỏi khi giải quyết đối với vụ án thuộc loại tranh chấp di sản thừa kế nhưng có đương sự là người chưa thành niên, Tòa án buộc phải xem xét các nội dung nêu trên một cách đầy đủ, rõ ràng nhằm làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án được chính xác, đúng quy định của pháp luật.

Trong đó, về nội dung quản lý tài sản của người chưa thành niên trong vụ án dân sự nói chung cũng như đối với các vụ án dân sự thuộc loại tranh chấp di sản thừa kế , chúng ta có thể thấy rằng: Thực tế, BLDS hiện hành không có quy phạm cụ thể nào quy định về quản lý tài sản của người chưa thành niên, song bộ luật này lại có quy phạm quy định về việc quản lý tài sản của người được giám hộ. Nội dung quy phạm này được quy định tại Điều 59 của Bộ luật. Vậy, vấn đề đặt ra là khi giải quyết vụ án dân sự có căn cứ xác định người chưa thành niên được nhận các quyền, lợi ích về tài sản thì chúng ta cần áp dụng quy phạm pháp luật dân sự nào để làm căn cứ pháp lý cho việc giải quyết vụ án?  Hay nói khác hơn là điều kiện nào để chúng ta áp dụng quy định tại Điều 59-BLDS để quản lý tài sản của người được giám hộ khi người được giám hộ là người chưa thành niên? Ngược lại, trường hợp người chưa thành niên hiện đang có cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật cho họ và có căn cứ xác định họ được hưởng các quyền, lợi ích về tài sản thì cần áp dụng quy định pháp lý nào để làm cơ sở cho việc quản lý tài sản đối với họ?

Tại Điều 59-BLDS quy định “1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ”.

Nghiên cứu quy định tại Điều 59-BLDS về quản lý tài sản của người được giám hộ, chúng ta có thể nhận thấy quy phạm này có hàm chứa nội dung điều chỉnh việc quản lý tài sản của người chưa thành niên (cả đối với trường hợp người chưa thành niên là đương sự trong các vụ án được Tòa án thụ lý, giải quyết mà họ tham gia tố tụng với tư cách là một đương sự trong vụ án đó, bao gồm cả vụ án tranh chấp di sản thừa kế và họ là người được thừa hưởng tài sản từ người chết để lại). Tuy vậy, trường hợp người chưa thành niên có cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật theo quy định tại Điều 136-BLDS và cha, mẹ thực hiện việc đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên thì không áp dụng quy định tại Điều 59-BLDS để giải quyết. Bởi lẽ, quy định tại Điều 47-BLDS xác định người chưa thành niên thuộc trường hợp được giám hộ, bao gồm: người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; hoặc khi họ có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; hoặc khi cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hoặc khi cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; hoặc khi cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; hoặc khi cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ, trong khi quy định tại Điều 59-BLDS chỉ xác định “quản lý tài sản của người được giám hộ”. Vậy thì điều kiện nào để chúng ta áp dụng quy định tại Điều 59-BLDS để quản lý tài sản của người được giám hộ khi người được giám hộ là người chưa thành niên?

 Nghiên cứu nội dung tại Điều 59-BLDS, chúng ta có thể thấy rằng trường hợp cá nhân là người chưa thành niên và thuộc trường hợp được giám hộ theo quy định tại khoản 1-Điều 47-BLDS khi họ không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; hoặc khi họ có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; hoặc khi cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hoặc khi cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; hoặc khi cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; hoặc khi cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ đều thuộc trường hợp áp dụng các quy phạm pháp luật dân sự về quản lý tài sản đối với họ.

Từ các nội dung phân tích trên cho thấy điều kiện để người chưa thành niên được người khác giám hộ là khi họ không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; hoặc cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hoặc cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; hoặc cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; hoặc khi cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ, tức là khi người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc khi cha, mẹ vẫn còn nhưng không có đủ điều kiện do pháp luật quy định hoặc điều kiện về thực tế để có thể chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên. Từ đây, cho thấy xem xét việc quản lý tài sản của người chưa thành niên khi giải quyết vụ án dân sự cụ thể nói chung, đòi hỏi trước hết Tòa án cần xác định người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của người chưa thành niên.

Vì vậy, có thể phân biệt việc quản lý tài sản của người chưa thành niên theo hai trường hợp sau:

+Trường hợp thứ nhất: Khi người chưa thành niên có cha, mẹ và cha, mẹ đủ điều kiện là người đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên theo quy định tại Khoản 3-Điều 134-BLDS thì việc quản lý tài sản của người chưa thành niên do cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật thực hiện theo quy định của pháp luật tại các khoản 2,3,4 của Điều 21-BLDS và một số quy định khác do pháp luật quy định tùy theo các trường hợp cụ thể.

+Trường hợp thứ hai: Khi người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc  cha, mẹ của người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp được quy định tại điểm b- khoản 1-Điều 47-BLDS thì việc quản lý tài sản của người chưa thành niên do người giám hộ cho người chưa thành niên thực hiện theo quy định tại Điều 59-BLDS vể quản lý tài sản của người được giám hộ.

    Như vậy, đối chiếu với các quy định tại các Điều 47, Điều 59 và Điều 136-BLDS thì điều kiện để Tòa án áp dụng quy định tại Điều 59-BLDS để quản lý tài sản đối với người chưa thành niên trong vụ án dân sự nói chung, trong đó có vụ án thuộc loại tranh chấp di sản thừa kế là người chưa thành niên đó phải thuộc đối tượng là người được giám hộ theo quy định tại khoản 1-Điều 47-BLDS và đương nhiên người chưa thành niên đó còn phải có căn cứ được hưởng các quyền, lợi ích về tài sản của người chết để lại mà hiện các bên đương sự đang có tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết./.

Ngọc Thuận

Liên kết website

Thông kê truy cập