Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Kỹ năng của Kiểm sát viên khi xử lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết trong tố tụng hình sự

Mục đích của khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến quá trình tố tụng; giúp phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời những vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Qua nghiên cứu những quy định của pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn, bài viết chia sẻ một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi xử lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự nhằm đảm bảo xử lý đơn đúng quy định của pháp luật, xác minh đúng điều kiện để thụ lý, không bỏ lọt những vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến quá trình tố tụng.

1. Kiểm tra, xác minh thời hiệu khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

Sau khi nhận được khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên phải kiểm tra thời hiệu khiếu nại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Thời hiệu khiếu nại được quy định tại Điều 471 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

“1. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.

2. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.”

Khi kiểm tra thời hiệu khiếu nại, trường hợp khiếu nại còn trong thời hiệu khiếu nại và có đầy đủ điều kiện thụ lý, Kiểm sát viên được phân công xử lý đơn sẽ tiến hành đề xuất, thụ lý, giải quyết đơn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trường hợp khi nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên được phân công xử lý đơn nhận thấy đơn đã hết thời hiệu khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự không được nhận định đơn đã hết thời hiệu khiếu nại ngay mà cần tiến hành kiểm tra, xác minh lý do của việc khiếu nại quá hạn để xác định đơn khiếu nại có thuộc trường hợp “vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan” hay không nhằm xác minh căn cứ thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết khiếu nại.

Trong thực tiễn có trường hợp, Kiểm sát viên sau khi nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết, nhận thấy khiếu nại đã quá thời hiệu khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liền ban hành Thông báo về việc không thụ lý khiếu nại mà không tiến hành các hoạt động kiểm tra các điều kiện thụ lý cũng như lý do của việc khiếu nại quá thời hạn. Xử lý như vậy là không đảm bảo căn cứ vì theo Khoản 2 Điều 471 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”. Do vậy, khi tiếp nhận đơn khiếu nại đã quá thời hiệu khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Kiểm sát viên phải tiến hành các thao tác như mời đương sự lên làm việc để kiểm tra lý do của việc quá thời hiệu khiếu nại, nếu đương sự có lý do bất khả kháng, cần xác minh xem lý do đó có thật sự là lý do bất khả kháng theo quy định tại khoản 2 Điều 471 BLTTHS hay không để đảm bảo căn cứ thụ lý hay không thụ lý giải quyết khiếu nại.

2. Kỹ năng của Kiểm sát viên trong việc sử dụng mẫu biên bản làm việc, ghi nhận lời trình bày, ý kiến của người khiếu nại trong Tố tụng hình sự

Quá trình kiểm tra, xác minh điều kiện thụ lý đơn của người khiếu nại, Kiểm sát viên cần phải lập thành Biên bản làm việc theo từng nội dung cụ thể. Trong thực tiễn, có trường hợp khi tiến hành làm việc với người khiếu nại, Kiểm sát viên thường sử dụng mẫu Biên bản ghi lời khai (mẫu số 125/HS - Ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) để ghi nhận lời trình bày, ý kiến của người khiếu nại, tố cáo. Biểu mẫu Biên bản ghi lời khai được sử dụng đối với người tham gia tố tụng quy định tại Điều 55 của Bộ luật Tố tụng hình sự (theo hướng dẫn được ghi trong biểu mẫu). Do vậy, đối với người khiếu nại Kiểm sát viên sử dụng mẫu Biên bản ghi lời khai là không phù hợp mà phải lập thành Biên bản làm việc theo từng nội dung cụ thể. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm mẫu số 01/KT ban hành kèm theo Quyết định số 28/QĐ-VKSTC ngày 15/02/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trên đây là một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi xử lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết trong tố tụng hình sự nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự.

Phương Thanh - Thanh tra Khiếu tố

Liên kết website

Thông kê truy cập