Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Một số vấn đề về phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án

Phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án là giai đoạn đầu, là cơ sở pháp lý quan trọng để Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình tổ chức thi hành án.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Luật thi hành án dân sự quy định: “Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó”

Khoản 1 Điều 36 Luật thi hành án dân sự cũng quy định: “Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.”

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay xảy ra trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không phân công Chấp hành viên cụ thể (Ví dụ phân công chấp hành viên Nguyễn Văn A tổ chức thi hành quyết định thi hành án) mà chỉ ghi trong quyết định phân công Chấp hành viên chung chung (phân công chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án);

Từ vấn đề trên, có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng việc phân công Chấp hành viên nêu trên là đúng quy định. Bởi lẽ theo biểu mẫu B 01a-THADS và biểu mẫu B 01-THADS ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ tư pháp quy định về biểu mẫu Quyết định thi hành án thì tại Điều 2 của quyết định chỉ nêu: Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này.” mà không nêu cụ thể Chấp hành viên nào được phân công.

Mặt khác, do thực tiễn nhu cầu công tác hiện nay của ngành thi hành án dân sự thường xuyên có sự luân chuyển, điều động Chấp hành viên từ địa phương này đến địa phương khác làm việc. Do vậy để thuận lợi trong việc tổ chức thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không phân công cụ thể Chấp hành viên tổ chức thi hành án.

Quan điểm thứ hai cho rằng: việc phân công Chấp hành viên nêu trên là không đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ theo khoản 1 Điều 20 Luật thi hành án dân sự quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên: “1. Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công;…”. Điều này có nghĩa là Chấp hành viên chỉ được tổ chức thi hành án đối với những vụ việc được phân công, những vụ việc không được phân công thì Chấp hành viên không được tổ chức thi hành án.

Mặt khác, việc phân công Chấp hành viên chung chung, không ghi cụ thể tên Chấp hành viên nào để tổ chức thi hành án đã làm ảnh hưởng đến quyền được yêu cầu thay đổi Chấp hành viên của đương sự. Tại Điều 10 Nghị định 62/2015/NĐ – CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định:“1. Đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp sau đây:…..”

Trên đây là một số quan điểm về việc phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án. Qua trang tin điện tử của ngành, rất mong được sự trao đổi nghiệp vụ của đồng nghiệp về vấn đề này để công tác kiểm sát thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao hơn nữa về chất lượng.

Phương Ngân

Liên kết website

Thông kê truy cập