Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo được áp dụng trong trường hợp này không?

Căn cứ khoản 3 Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 1999, nay là khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định :Việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của Tòa án. Tuy nhiên, bị án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và Quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp nên hình phạt bổ sung và các Quyết định khác của Tòa án chưa thực hiện. Vậy, theo nguyên tắc có lợi có được tính là có tiền án hay không?

Thực tiễn nhiều trường hợp bị án (sau này là bị can, bị cáo trong vụ án mới) không nhận được thông báo và Quyết đinh thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên không thể thực hiện nghĩa vụ. Cơ quan cảnh sát điều tra  tiến hành xác minh những trường hợp này tại Cơ quan thi hành án dân sự, thì xác định Tòa án không chuyển giao bản án, nên Cơ quan thi hành án dân sự không có căn cứ để ra Quyết định thi hành  án và thông báo cho người phải thi hành án, dẫn đến tình trạng có trường hợpTòa án áp dụng có tiền án, có Tòa án lại không áp dụng là tiền án. Hiện nay trong ngành cũng có hai quan điểm khác nhau về nội dung trên.

Quan điểm thứ nhất:

Các vướng mắc thuộc trường  hợp khi tiến hành xác minh nhân thân bị can, bị cáo đều thực hiện xong hình phạt chính nhưng hình phạt bổ sung và án phí của bản án trước đó bị can, bị cáo chưa thực hiện, do Cơ quan thi hành án dân sự không nhận được bản án của Tòa án . Căn cứ kết quả xác minh và quy định tại các Điều 3, Điều 5 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 (vì có trường hợp còn bị điều chỉnh của pháp lệnh này), điểm c Điều 7a, Điều 36,39 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật thi hành án dân sự) quy định: Người phải thi hành án “được nhận thông báo về thi hành án”. Các hình thức thông báo được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật thi hành án dân sự. Trong đó có nội dung “Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và các văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự”. Khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh thi hành án dân sự và Điều 36 Luật thi hành án dân sự quy định các trường hợp như hình phạt tiền, án phí…thuộc trường hợp Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra Quyết định thi hành bản án, quyết định.

Như vậy, bị can, bị cáo chưa thực hiện nghĩa vụ của bản án trước đó không phải lỗi của họ. Từ đó theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo thì các trường hợp này không xem là có tiền án, nên không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc định tội đối với họ.

Quan điểm thứ hai:

Người được xóa án tích theo khoản 2, Điều 70 Bộ luật Hình sự, thì người  đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án , Quyết định hình sự của Tòa án.

Các nghĩa vụ về dân sự được thi hành trong bản án, Quyết định hình sự của Tòa án được quy định tại Điều 1 Luật thi hành án dân sự, bao gồm: “ hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự”. Các nghĩa vụ quy định tại Điều 1 nêu trên thuộc diện án chủ động, không quy định thời hiệu thi hành án.
Đồng thời, nghĩa vụ của người thi hành án được quy định tại điểm a khoản 2, Điều 7a Luật thi hành án dân sự: “Thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định”.

Các khoản về nghĩa vụ của người phải thi hành án được xác định rõ trong Bản án, Quyết định của Tòa án, được xét xử công khai, công bố tại phiên tòa xét xử, bị án được nhận Bản án, Quyết định của Tòa án, được Trại giam thông báo về nghĩa vụ thi hành án về dân sự (Trường hợp vào Trại để chấp hành án phạt tù). Do đó, việc thực hiện nghĩa vụ dân sự theo Bản án đã tuyên thuộc trách nhiệm của người phải thi hành án, bị án có thể nộp tiền để thực hiện nghĩa vụ theo Bản án cho Cơ quan thi hành án dân sự (cho dù cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận được Bản án do Tòa án giao) hoặc Trại giam (Thông tư liên ngành số 07 ngày 06/02/2013 Hướng dẫn về thu, nộp tiền của phạm nhân là người phải thi hành án, người được thi hành án), bị án được nhận Biên lại thu tiền để đảm bảo thi hành án. Biên lai thu tiền này là tài liệu xác định họ đã thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự của mình theo Bản án, Quyết định Tòa án, đây là cơ sở để xét cho bị án có được xóa án tích theo quy định.

Riêng việc Tòa án gửi chậm Bản án, Quyết định hình sự cho Cơ quan thi hành án dân sự là thiếu sót, vi phạm về thời hạn chuyển giao Bản án của Tòa án (Điều 28 Luật thi hành án dân sự). Việc chậm giao Bản án, Quyết định của Tòa án chỉ làm ảnh hưởng đến việc chủ động ra Quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự, dẫn đến việc chậm nộp tiền vào ngân sách Nhà nước đối với các khoản tiền phải thi hành án mà bị án đã nộp tại cơ quan thi hành án dân sự và Trại giam. Do đó, việc Tòa án chậm giao Bản án, Quyết định cho Cơ quan thi hành án không phụ thuộc đến nghĩa vụ thi hành án dân sự của bị án trong việc xóa án tích, chỉ là các thủ tục để Cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu hoặc có biện pháp cưỡng chế trong trường hợp người phải thi hành không tự nguyện thi hành án.

Người viết bài này nhất trí với quan điểm thứ nhất, đối tượng thi hành án dân dự  trong bản án hình sự được điều chỉnh ở Điều 1 của Pháp thi hành án và Luật thi hành án. Nghĩa vụ của người thi hành án trong trường hợp này phụ thuộc vào Cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, trong khi Cơ quan thi hành án chưa thụ lý bản án hình sự của Tòa án A nào đó, thì người phải thi hành bản án không thể tự nguyện đem tiền đến nộp. Về nguyên tắc tài chính đơn vị thu tiền của người nộp phải biết tiền nộplà tiền gì, bao nhiêu, khi nhận đơn vị này phải quản lý như thế nào khi không có bản án làm cơ sở để thu? Điều 29 và 35 Luật thi hành án dân sự quy định thủ tục nhận bản án, quyết định do Tòa án chuyển  giao cho Cơ quan thi hành án dân sự rất chặt chẽ và thẩm quyền thi hành án quy định cụ thể ở từng cấp hành chính huyện, tỉnh, quân khu…, nên không thể cho rằng bị cáo “có mặt tại phiên tòa hình sự khi nghe tuyên án thì phải tự nguyện thi hành phần dân sự trong bản án hình sự”, còn không khi phạm tội mới phải xem là chưa xóa án tích. Vậy Tòa án xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự hoặc tuyên bị cáo án treo (đương nhiên không bị thi hành án hình sự ở trại giam) thì bị án phải tự nguyện thi hành án dân sự như thế nào khi không có thông báo và Quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự ? 

Để áp dụng pháp luật thống nhất, tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm khi áp dụng hoặc không áp dụng trường hợp trên là có tiền án hay không có tiền án khi giải quyết một vụ án hình sự gặp trường hợp này. Mời các đồng nghiệp đưa ra quan điểm tranh luận.

Phạm Bai - Phòng 7

Liên kết website

Thông kê truy cập