Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Những khó khăn, vướng mắc trong trong xử lý các hành vi “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và “Hủy hoại rừng” trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh

Khánh Vĩnh là một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa với diện tích khoảng diện tích 1.165 km², trong đó núi rừng chiếm hầu hết diện tích tự nhiên nên rừng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, giữ cân bằng sinh thái, môi trường, góp phần ngăn chặn, hạn chế hậu quả do thiên tai gây ra.

Thời gian qua, tình hình tội phạm liên quan đến rừng như hủy hoại rừng, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản đang diễn biến phức tạp. Một bộ phận người dân vì nhu cầu đất canh tác nhưng thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã lén lút chặt phá, đốt rừng để lấy đất canh tác. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác rừng trái phép cũng diễn ra khá phổ biến, nhiều đối tượng vì lợi nhuận cá nhân trước mắt mà hủy hoại môi trường. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến diện tích rừng, sản lượng gỗ, độ che phủ rừng ngày càng giảm.

Những khó khăn, vướng mắc trong trong xử lý các hành vi  “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và  “Hủy hoại rừng” trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh
Ảnh: KSV tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường 

Nhằm ngăn chặn tình trạng đốt, phá, khai thác rừng trái phép, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, khởi tố, điều tra, nhiều vụ án liên quan đến hành vi hủy hoại rừng, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Tuy nhiên quá trình giải quyết các vụ án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; hầu hết các vụ án đều đang phải tạm đình chỉ điều tra.   

1. Khó khăn trong việc xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội

Thực tiễn cho thấy, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có nhiều âm mưu, thủ đoạn, hoạt động để tránh bị phát hiện. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì không bị xử lý hình sự, hủy hoại rừng với diện tích nhỏ, chưa đủ để xử lý hình sự, sau đó, phá mở rộng lấn chiếm dần trong thời gian dài. Các đối tượng phá rừng sau đó chuyển nhượng trái phép luôn cả phần diện tích rừng liền kề; đối tượng chuyển nhượng tiếp tục lấn dần diện tích rừng còn lại, phá rừng vào thời điểm ngoài giờ hành chính, vào các ngày nghỉ, ngày lễ, ngày lực lượng quản lý, bảo vệ rừng không có lịch tuần tra, bảo vệ rừng tại khu vực. Ngoài ra đối tượng còn sử dụng thủ đoạn phá dở dang để chờ yếu tố tự nhiên tác động làm cây rừng bị chết.

Bên cạnh đó có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài mới được Hạt kiểm lâm phát hiện giao cho Cơ quan điều tra xử lý; hồ sơ vụ việc thiếu thông tin tài liệu, không chụp ảnh, quay phim hiện trường, đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội, không thu giữ được tang vật… để phục vụ điều tra truy nguyên đối tượng; có nhiều vụ cơ quan chức năng chỉ phát hiện, lập biên bản vụ việc không rõ đối tượng, thời gian xảy ra sau đó chuyển đến cơ quan điều tra Công an (dẫn đến nhiều vụ việc sau khi chuyển điều tra phải tạm đình chỉ do không xác định được đối tượng vi phạm). Việc truy nguyên đối tượng trong nhiều vụ hủy hoại rừng rất khó khăn. Tại thời điểm điều tra các đối tượng đã ngừng thực hiện hành vi phạm tội, thống nhất với nhau về lời khai, tàng trữ, tiêu hủy vật chứng để đối phó với Cơ quan điều tra, trong khi đó việc thu thập các tài liệu, chứng cứ khác gặp nhiều khó khăn do việc thực hiện hành vi phạm tội không có người chứng kiến. Công tác khám nghiệm hiện trường không đạt hiệu quả do hiện trường vụ án bị xáo trộn, các cây rừng bị chặt hạ không còn tại hiện trường.

2. Khó khăn trong việc Giám định và định giá tang vật, vật chứng

 Khi phát hiện hành vi phạm tội, lực lượng Kiểm lâm và Cơ quan điều tra đều không có thẩm quyền để kết luận được thuộc nhóm gỗ nào? Có thuộc Danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IIA hay không? Tuy nhiên, khi tiến hành trưng cầu giám định thì Giám định viên thuộc Sở Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đều trả lời không đủ khả năng chuyên môn để thực hiện công tác giám định nhằm xác định chính xác tên và nhóm gỗ, nhất là khi số gỗ này đã được khai thác từ lâu, chủng loại và thời gian khai thác. Ngoài ra, kinh phí để phục vụ cho việc giám định trong các vụ án Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản rất lớn, nguồn kinh phí điều tra hiện có của Cơ quan Điều tra không đáp ứng đủ cũng là một trong những khó khăn trong việc trưng cầu các tổ chức khác tiến hành giám định, khiến vụ án phải kéo dài thời hạn giải quyết.

Để xử lý hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các đơn vị chủ rừng là giá trị của lâm sản bị thiệt hại. Giá trị này được định giá bằng đơn vị tiền Việt Nam đồng. Tuy nhiên, gỗ, thực vật rừng thu được từ các vụ án này thông thường nằm ngoài danh mục thực vật hoang dã nguy cấp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc định giá tài sản không phải hàng cấm dựa trên ít nhất một các căn cứ: Giá thị trường của tài sản; Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá; Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình định giá trong nhiều vụ án, Hội đồng định giá huyện Khánh Vĩnh đã nhiều lần từ chối định giá vì các lý do như không đủ chuyên môn, thiếu thông tin về chủng loại lâm sản, thông tin về tài sản cần định giá.

3. Khó khăn trong việc xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra hành vi vi phạm

Trong một số vụ án, diện tích rừng được giao cho Ủy ban nhân dân các xã quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, diện tích rừng này đã được giao bằng một quyết định từ rất lâu và hầu như số liệu về diện tích, thực trạng rừng chỉ là những số liệu nằm trên giấy. Trong khi đó, Lãnh đạo của Ủy ban nhân dân các xã được thay đổi, luân chuyển liên tục và khi bàn giao lại cho người tiền nhiệm thì cũng chỉ diễn ra trên hồ sơ, thủ tục giấy tờ. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là khi có một vụ việc liên quan đến hành vi phá rừng, hủy hoại rừng hoặc khai thác gỗ trái phép trong một thời gian dài mới bị phát hiện, điều tra và xử lý thì các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để truy trách nhiệm cho người lãnh đạo nào vì không thể giám định được cụ thể từng gốc cây, khoảnh rừng bị khai thác, hủy hoại vào thời điểm nào. Từ đó, tuy có hành vi phạm tội xảy ra nhưng không thể xem xét xử lý được các chủ rừng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự mặc dù hậu quả gây ra là rất lớn.

4. Vướng mắc trong công tác phối hợp với các lực lượng chức năng: 

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa nhận thức đúng vai trò trách nhiệm của mình nên còn lơ là thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; phân công nhiệm vụ không rõ ràng, cụ thể dẫn đến thực hiện chức năng nhiệm vụ không tốt, còn đùn đẩy nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; một số lãnh đạo chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng chưa nắm rõ được ranh giới, diện tích rừng được giao quản lý, diện tích rừng bị mất. UBND cấp xã được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng không hoàn thành nhiệm vụ, số vụ vi phạm do chính quyền địa phương phát hiện rất ít.

5. Một số đề xuất, kiến nghị.

Từ những khó khăn, vướng mắc được phân tích nếu trên, cần thiết phải có nhiều biện pháp mạnh mẽ để các nâng cao chất lượng quản lý, bảo vệ rừng và xử lý tội phạm liên quan đến rừng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh như:

 - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về rừng;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo quản lý, bảo vệ rừng; tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám định, định giá tài sản;

- Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, phân loại, nguồn tin về các vụ việc liên quan đến hành vi hủy hoại rừng, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản;

- Nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Tố tụng tại địa phương trong quá trình tiếp nhận, giải quyết nguồn tin, khởi tố điều tra các vụ án hình sự liên quan đến rừng.

Phan Thoa - VKSND huyện Khánh Vĩnh

Liên kết website

Thông kê truy cập