- Cần bổ sung quy định về
căn cứ Kháng nghị phúc thẩm hình sự: Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chỉ quy
định về thẩm quyền, thời hạn, thủ tục nhưng không quy định căn cứ Kháng nghị.
Việc không quy định về căn cứ Kháng nghị gây khó khăn cho Viện kiểm sát trong
việc đánh giá về tính chất, mức độ nghiêm trọng vi phạm của Tòa án. Vì vậy, cần
có quy định cụ thể về căn cứ Kháng nghị phúc thẩm để Viện kiểm sát có thể Kháng
nghị đúng, Tòa án không thể bác Kháng nghị thiếu cơ sở.
- Liên ngành tố tụng Trung
ương cần thống nhất trong các giải đáp thắc mắc, hướng dẫn nghiệp vụ giữa 03
Ngành tố tụng để có hướng giải quyết vụ án thống nhất, hạn chế việc mỗi Ngành
hướng dẫn riêng sẽ ảnh hưởng việc giải quyết vụ án không thống nhất.
- Cần có quy định liên quan
đến cơ chế bảo đảm cho Kháng nghị phúc thẩm hình sự: Theo Điều 337 BLTTHS, thời
hạn Kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp
trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án. Theo BLTTHS thì thời hạn giao Bản
án cho Viện kiểm sát cùng cấp là trong thời hạn 10 ngày và gửi Bản án cho Viện
kiểm sát cấp trên trực tiếp. Với quy định trên, trong trường hợp Tòa án cấp sơ
thẩm gửi Bản án đúng thời hạn là 10 ngày thì Viện kiểm sát chỉ còn 05 ngày
nghiên cứu Bản án và hồ sơ vụ án để quyết định Kháng nghị. Tuy nhiên, trên thực
tế, Tòa án gửi Bản án đa số là quá thời hạn và quá hạn luật định. Do vậy, việc
kịp thời phát hiện vi phạm của các Bản án sơ thẩm để Kháng nghị gặp nhiều khó
khăn, hết thời hạn ban hành Kháng nghị, báo cáo Kháng nghị. Do đó, để bảo đảm
cho công tác Kháng nghị của Viện kiểm sát, cần bổ sung quy định: sửa Điều 337
BLTTHS theo hướng quy định thời hạn Kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 10
ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ khi nhận được Bản
án hoặc Quyết định sơ thẩm.
- Quy định chế tài đối với Tòa án, Thẩm phán được
phân công xét xử để xảy ra vi phạm trong việc giao, chậm gửi Bản án, Quyết định
đã làm ảnh hưởng đến quyền Kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát; Viện kiểm
sát Kháng nghị đúng, được cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm tuyên sửa, hủy Bản án
theo đề nghị của Viện kiểm sát. Cần bổ sung quy định chế tài xử lý cụ thể đối
với Tòa án, Thẩm phán trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân
dân là việc hết sức cần thiết, bảo đảm quyền Kháng nghị của Viện kiểm sát. Đồng
thời, quy định chế tài rõ ràng, cụ thể đối với Tòa án, Thẩn phán để xảy ra vi
phạm sẽ giúp cho Tòa án, Thẩm phán tự giác thực hiện theo quy định, giảm thiểu
được các vi phạm trên. Như vậy, mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát
sẽ được thực hiện tốt hơn, không để xảy ra mâu thuẫn, bất hòa không đáng có
giữa các Cơ quan tố tụng, Thẩm phán và Kiểm sát viên.
2. Thực hiện tốt công tác
cán bộ của ngành KSND
Để bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu về cải cách tư
pháp và nhiệm vụ được giao, nhận thấy: Hoạt động thực hành quyền công tố và
kiểm sát lĩnh vực hình sự nói chung; thực hành công tố và kiểm sát xét xử vụ án
hình sự nói riêng là khâu công tác rất quan trọng vì là khâu quyết định của cả
quá trình tố tụng, bởi lẽ quá trình tố tụng hình sự hiệu quả hay không, tốt hay
không tốt, chất lượng công tố đạt hay không đạt phải thông qua xét xử công
khai, tranh tụng công khai tại phiên tòa hình sự và phải thông qua kết quả phán
quyết của Tòa án.
Thực tế cho thấy không phải
tất cả Kiểm sát viên đều có thể làm tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại
phiên tòa. Công tác này đòi hỏi Kiểm sát viên phải có năng lực thực sự, không
chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về kiến thức xã hội lẫn khả năng hùng
biện mới có thể tham gia phiên tòa một cách hiệu quả. Trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng viết, nói là những yếu tố
hội tụ bắt buộc phải có của một Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Chất lượng
công tố tại phiên tòa có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Ngành nên cần lựa
chọn Kiểm sát viên có trình độ và khả năng để bố trí vào công tác thực hành
quyền công tố và kiểm sát xét xử. Để có đội ngũ Kiểm sát viên hội tụ đủ các yếu
tố cần thiết nêu trên phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ, khẩn trương, tích cực
trong công tác tổ chức cán bộ. Phải mạnh dạn và kiên quyết điều chuyển những Kiểm
sát viên có năng lực thực sự để bổ sung cho khâu công tác này, đây phải được
xác định là hướng ưu tiên trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của
ngành Kiểm sát. Đồng thời, thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng công
chức nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ nói chung và kỹ năng thực hiện Kháng nghị
nói riêng.
3. Nâng cao chất lượng công
tác kiểm sát xét xử án hình sự của Kiểm sát viên
Để thực hiện tốt quyền năng
Kháng nghị phúc thẩm của Viện KSND, kết quả công tác thực hành quyền công tố,
kiểm sát xét xử án hình sự tại phiên tòa, chất lượng công tác kiểm sát Bản án, Quyết
định của Kiểm sát viên có giá trị quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác Kháng
nghị của Viện kiểm sát. Do đó, bản thân mỗi Kiểm sát viên cần phải ý thức được
vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với công tác, nhiệm vụ được giao. Kiểm
sát viên cần không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn
nghiệp vụ, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng cũng như tự tìm tòi, học hỏi,
rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ của bản thân. Chỉ khi
Kiểm sát viên ý thức được đúng đắn vai trò, nghĩa vụ của bản thân với công việc
được giao thì mới tích cực, chủ động, trách nhiệm trong công việc, mới có thể
kịp thời phát hiện vi phạm của Tòa án, báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện về hình
thức xử lý các vi phạm của Tòa án một cách phù hợp nhất.
4. Tăng cường công tác lãnh đạo của Viện kiểm sát các cấp trong công tác Kháng nghị phúc thẩm hình sự
Chỉ thị tăng cường công tác
Kháng nghị hình sự của Viện trưởng KSND tối cao đã chỉ rõ: “Trong những năm
qua, công tác kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm hình sự
của Tòa án nhân dân đã có những cố gắng nhất định. Để nâng cao chất lượng công
tác kháng nghị phúc thẩm cấp huyện, Viện trưởng cần quán triệt và tổ chức thực
hiện nghiêm Chỉ thị số 03, đồng thời, chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, theo
dõi giám sát, khen thưởng động viên, kiểm điểm trách nhiệm bảo đảm các chế độ
chính sách cho Kiểm sát viên nhất là điều kiện phương tiện, kỹ thuật để làm
việc cũng như chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Lãnh đạo Viện cần thận trọng, nghiêm
túc, sâu sát trong chỉ đạo giải quyết và duyệt án; đặt ra những yêu cầu cụ thể,
tỷ mỉ đối với Kiểm sát viên trong việc Báo cáo kết quả phiên toà, trong việc
kiểm sát Biên bản phiên tòa và kiểm sát Bản án sau phiên tòa và đề
xuất quan điểm của mình sau kiểm sát; chú trọng những vụ án có quan điểm
khác nhau giữa Tòa án và Viện kiểm sát;
yêu cầu Kiểm sát viên sau khi tham gia phiên tòa, nếu phát hiện vi phạm của Tòa
án, cần chủ động đề xuất quan điểm ngay với lãnh đạo Viện để xem xét, chỉ đạo
kịp thời.