Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM HUYỆN VỚI VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN HUYỆN DIÊN KHÁNH TRONG KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra giải pháp đột phá thứ ba trong phòng, chống tham nhũng là: “Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực”. Trong đó, nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của Đảng là tập trung dân chủ, liên quan đến kiểm soát quyền lực, tập trung dân chủ đảm bảo cho Đảng đưa ra các quyết định về quyền lực một cách đúng đắn; phát huy được trí tuệ của tập thể trong phân cấp, phân quyền; bảo đảm tính kỷ luật tự giác của mỗi tổ chức đảng và đảng viên trong thực thi quyền lực. Nhìn chung, quan điểm chỉ đạo khẳng định cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, đảm bảo vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng.

Nhân dân là chủ thể kiểm soát quyền lực quan trọng. Việc Nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước là sự thể hiện cụ thể của chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được nêu ra từ Đại hội V của Đảng. Tại Đại hội XIII, nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, Đại hội đề ra phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điểm mới được Đại hội đề cập đến nằm ở “dân giám sát” và “dân thụ hưởng”; trong đó, “dân giám sát” thể hiện việc kiểm soát quyền lực của Nhân dân thông qua hình thức giám sát. Như vậy, có thể thấy Đại hội XIII đã bổ sung thêm cơ sở chính trị quan trọng về kiểm soát quyền lực của Nhân dân đối với các Cơ quan công quyền. Cơ sở này rất quan trọng để thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân nhằm “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”.

Đối với Mặt trận Tổ quốc, hoạt động kiểm soát quyền lực đối với các Cơ quan thực thi quyền lực chủ yếu qua hai phương thức giám sát và phản biện. Đại hội XIII đặt ra yêu cầu “đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội”.

Nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát việc thực thi pháp luật, trên cơ sở Quy chế phối hợp công tác số: 01/QC-BTTUBTWMTTQVN-VKSNDTC, ngày 27/08/2014 của Ban thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh cùng với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh đã ký kết Quy chế số 01 ngày 14/09/2016 phối hợp trong công tác. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh trên các lĩnh công tác như: Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng, tuyên truyền phổ biến pháp luật; giám sát hoạt động tư pháp; phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm; tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; kiểm sát hoạt động tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Trong đó bao gồm nội dung:

- Kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp:
Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cơ quan trong hoạt động tư pháp, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh để giải quyết theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình thực hiện việc giám sát, khi có yêu cầu của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh cung cấp thông tin, giải trình những vấn đề liên quan và cử đại diện tham gia hoạt động giám sát.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra liên ngành do Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh chủ trì theo Quyết định, Kế hoạch để kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

- Đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm:

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện thông báo kịp thời những thông tin về tội phạm do mình phát hiện hoặc nhận được tố giác, tin báo về tội phạm để Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Kết quả công tác phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt nam huyện với Viện kiểm sát nhân dân huyện trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp và đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm trên địa bàn huyện.

Qua 8 năm phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt nam huyện với Viện kiểm sát nhân dân huyện Diên Khánh đã góp phần không để xảy ra việc bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử oan sai, không có tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; tỷ lệ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm theo từng năm; chất lượng xét xử được nâng lên, tranh tụng tại phiên tòa được mở rộng, đúng trọng tâm, tính thuyết phục ngày càng cao; số Bản án, Quyết định về hình sự, dân sự bị sửa, bị hủy ngày càng giảm. Kết quả trên đã góp phần thực hiện tốt Hiến pháp theo nguyên tắc “Bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân,... quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.

Thực hiện Quy chế phối hợp, định kỳ hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân huyện đã phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện thống nhất kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam. thi hành án dân sự, hành chính. Trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN đã phối hợp Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp kiểm tra, giám sát trong hoạt động tư pháp, trong đó kiểm sát 8 lần đối với Nhà tạm giữ, 2 lần đối với Chi cục thi hành án dân sự huyện. Tại các lần kiểm tra, giám sát Ủy ban MTTQVN huyện đều cử đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN cùng cấp tham gia và có ý kiến đóng góp cho công tác quản lý Nhà tạm giữ, và việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người bị tạm giữ, tạm giam đúng quy định pháp luật. có ý kiến trong công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn huyện. Qua phối hợp kiểm tra, giám sát đã phát hiện những hạn chế, thiếu sót, kịp thời đề nghị cấp thẩm quyền khắc phục, xử lý theo quy định.

Trong năm 2022, Viện kiểm sát huyện phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Diên Khánh tiến hành kiểm sát trực tiếp việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù tại Nhà tạm giữ Công an huyện Diên Khánh và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Diên Khánh qua đó đã phát hiện một số vi phạm như:

Vi phạm, tồn tại về thủ tục thi hành án phạt tù, chế độ quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân:  Đối với những trường hợp tại ngoại vào chấp hành án, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Diên Khánh chậm báo cáo Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa để đề nghị đưa người đi chấp hành án. vi phạm thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật thi hành án hình sự; khoản 2 mục I hướng dẫn số 156/HD-C10 ngày 08/01/2020 của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an về việc hướng dẫn thủ tục đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án.

- Vi phạm, tồn tại vviệc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân: Qua kiểm tra sổ chấm ăn, thấy: Nhà tạm giữ không cho người bị giam giữ ăn thêm gấp 05 lần vào trước hoặc sau ngày 02/9, cho ăn thêm vào ngày 07/10 (khi đó đã chuyển 05 người đi chấp hành án) là vi phạm Khoản 1 Điều 27 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam;  Điều 112 Bộ luật lao động. Tại thời điểm kiểm tra có 04 buồng tạm giam không đủ diện tích chỗ nằm tối thiểu (02 mét vuông/ người) theo quy định tại Khoản 4 Điều 27 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

- Vi phạm thông báo văn bản về thi hành án dân sự: 03 hồ sơ (gồm: 02 chưa thông báo; 01 chậm thông báo); Vi phạm xác minh điều kiện thi hành án: 48 hồ sơ (gồm: 11 hồ sơ chưa xác minh; 08 hồ sơ chậm xác minh; 29 hồ sơ chưa xác minh tại văn phòng đăng ký đất đai); Vi phạm về phân loại án: 07 hồ sơ; Vi phạm về chưa tiếp tục tổ chức thi hành án: 22 hồ sơ.

Nhận thấy các vi phạm nêu trên cần phải được khắc phục triệt để, Đoàn kiểm sát trực tiếp đã kiến nghị đến các Cơ quan liên quan trong việc khắc phục vi phạm pháp luật của từng lĩnh vực và được chấp nhận thực hiện. Thông qua kết quả phối hợp kiểm tra, giám sát, Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện đã nắm được tình hình thực tiễn việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn huyện để thông tin, tuyên truyền và giải đáp những ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Từ đó, tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Thành Vi

Liên kết website

Thông kê truy cập